Chuẩn đô đốc La Viện, phó giám đốc Học viện Khoa học Quân sự Trung Quốc, hồi tháng trước tuyên bố Bắc Kinh có thể khiến Washington "sợ hãi" bằng cách đánh chìm hai siêu tàu sân bay Mỹ, khiến ít nhất 10.000 binh sĩ thiệt mạng.
La Viện cho rằng các loại tên lửa đạn đạo diệt hạm trong biên chế quân đội Trung Quốc hiện nay đủ sức thực hiện đòn tấn công này. Tuy nhiên, các chuyên gia quân sự cho rằng hải quân Mỹ nhiều khả năng đã lường trước mối đe dọa này và xây dựng phương án đối phó, theo Business Insider.
Chuyên gia quân sự Christopher Woody nhận định việc hạn chế hoặc phong tỏa năng lực hoạt động của quân đội Mỹ ở Biển Đông và biển Hoa Đông là một phần quan trọng trong nỗ lực thay đổi cán cân sức mạnh khu vực của Trung Quốc. Bắc Kinh muốn giành lợi thế bằng cách đưa ra những đe dọa khiến Washington phải ngần ngại khi triển khai các khí tài có giá trị cao để đảm bảo an ninh cho các đồng minh và đối tác.
Trung Quốc đã phát triển nhiều tên lửa đạn đạo diệt hạm uy lực, được mệnh danh là "sát thủ tàu sân bay" để phục vụ chiến lược này. Mẫu DF-21 có tầm bắn 1.540 km vươn đến Đài Loan, Nhật Bản và Hàn Quốc, trong khi tên lửa DF-26 mới phát triển đạt tầm bắn tới 4.100 km, đủ sức tấn công gần như toàn bộ căn cứ Mỹ ở Thái Bình Dương.
Bắc Kinh cũng triển khai nhiều hệ thống phòng không và không ngừng tăng cường sức mạnh hải quân. Điều này buộc Mỹ nhanh chóng tìm cách đối phó khi các tàu sân bay và chiến hạm hộ tống của họ đều có nguy cơ bị tấn công.
"Nếu hải quân Mỹ tăng cường năng lực phòng không bằng các tổ hợp vũ khí được quảng cáo lâu nay, họ sẽ cải thiện đáng kể khả năng phòng thủ của nhóm tác chiến tàu sân bay", Bryan Clark, học giả tại Trung tâm Đánh giá Chiến lược và Ngân sách Mỹ (CSBA), đánh giá.
Một nhóm tác chiến tàu sân bay Mỹ hoạt động cách bờ biển Trung Quốc khoảng 1.600 km có thể đánh chặn 450 tên lửa các loại nếu được trang bị hệ thống phòng không tầm xa, tổ hợp gây nhiễu điện tử và pháo laser. Trong khi đó, Trung Quốc có ít nhất 600 tên lửa có khả năng diệt tàu sân bay ở khoảng cách này, đủ sức xuyên thủng lưới phòng thủ đa tầng của hải quân Mỹ.
"Nếu hải quân Mỹ thay thế tên lửa tầm ngắn như RIM-162 ESSM bằng đạn đánh chặn tầm xa SM-2, pháo laser và pháo điện từ (HVP), lớp phòng thủ tàu sân bay có thể đối phó khoảng 800 tên lửa diệt hạm", Clark nhận định.
Để giúp tàu sân bay hoạt động lâu hơn trong vùng biển nguy hiểm, Washington cũng có thể tận dụng năng lực tác chiến điện tử để gây khó khăn cho việc xác định mục tiêu, thậm chí chủ động tung đòn phá hủy bệ phóng tên lửa và oanh tạc cơ đối phương.
Với việc Trung Quốc và Nga liên tục cải tiến tên lửa hành trình diệt hạm phóng từ tàu ngầm, Mỹ cũng phải thay đổi thành phần khí tài trong không đoàn tàu sân bay, phát triển khả năng tác chiến tầm xa trong môi trường nhiều thách thức.
"Cách tiếp cận này có thể giúp nhóm tàu sân bay Mỹ trở nên bất khả xâm phạm, hoặc ít nhất cũng đủ sức phòng thủ khi nổ ra chiến tranh với Trung Quốc. Đây là phương thức tác chiến hải quân Mỹ đang triển khai hiện nay", Clark khẳng định.
Lã Viện thuộc nhóm diều hâu trong giới bình luận chính sách đối ngoại Trung Quốc. Lời đe dọa đánh chìm tàu sân bay Mỹ dường như phản ánh quan điểm chung của Trung Quốc hiện nay là quân đội Mỹ mạnh nhưng không có quyết tâm chiến đấu.
"Ngày càng nhiều người Trung Quốc tin rằng Mỹ đã mềm mỏng hơn và không muốn chấp nhận hy sinh nhân mạng. Họ cho rằng Washington sẽ từ bỏ và rút lui ngay khi gặp thách thức", Brad Glosserman, chuyên gia Trung Quốc tại Đại học Tama ở Nhật Bản, nhận xét về bình luận của Lã Viện.
Chuyên gia quân sự Michael Peck cho rằng tên lửa siêu vượt âm và tên lửa đạn đạo Trung Quốc có thể tấn công tàu sân bay Mỹ trên lý thuyết, nhưng chưa từng được kiểm chứng trong thực chiến. Ngoài ra, nếu Trung Quốc đánh chìm tàu sân bay Mỹ, đó sẽ là hành động đẩy hai nước vào chiến tranh tổng lực, buộc Washington đáp trả mạnh mẽ, bởi hàng không mẫu hạm là biểu tượng cho niềm tự hào và sức mạnh quân sự Mỹ.
"Một cuộc tấn công như vậy sẽ đánh thức người khổng lồ đang ngủ say và khiến Mỹ quyết tâm trả đũa. La Viện chắc vẫn nhớ bài học của Nhật Bản trong Thế chiến II", Peck cảnh báo.
Duy Sơn