Các giải pháp được nêu ra tại Hội nghị thượng đỉnh Đổi mới sáng tạo do Schneider Electric Việt Nam tổ chức ngày 2/8 tại TP HCM. Sự kiện thu hút cộng đồng chuyên gia, đại diện các doanh nghiệp tham gia thảo luận, đánh giá hình mẫu công nghệ giảm phát thải, từ đó đề xuất phương án phù hợp.
Công nghệ là "chìa khóa"
Giới chuyên gia đánh giá, công nghệ là một trong ba thách thức khi Việt Nam bước vào xây dựng nền kinh tế carbon thấp, bên cạnh quản trị và tài chính. Phát biểu tại hội nghị, ông Tạ Đình Thi, Phó chủ nhiệm Ủy ban Khoa học, Công nghệ và Môi trường của Quốc hội cho rằng với trình độ và năng lực hiện tại, việc tiếp cận các công nghệ mới là vấn đề lớn.
Trong lĩnh vực chuyển đổi năng lượng, bài toán tiếp cận công nghệ phải đi cùng giá thành hợp lý, phù hợp với điều kiện và quy mô nền kinh tế. Các chính sách đang khuyến khích doanh nghiệp chuyển giao công nghệ mới từ nước ngoài và tiến đến tự chủ công nghệ.
Ở góc độ nhà quản trị chiến lược, ông Phạm Phú Trường - Phó chủ tịch HĐQT Công ty Tư vấn Kinh doanh Hội nhập Toàn cầu GIBC đưa ra phương án tiếp cận mới mang tên "Twin Transition - Chuyển đổi kép".
Diễn đàn Kinh tế Thế giới (WEF) ước tính số hóa giúp giảm 20% lượng khí thải toàn cầu. Nếu chuyển đổi số gắn liền với chuyển đổi xanh, doanh nghiệp sẽ đạt lợi ích lớn hơn về năng suất và bền vững, đo lường và quản trị được lượng phát thải để thúc đẩy nền kinh tế carbon thấp.
Ông Đồng Mai Lâm - Tổng giám đốc Schneider Electric Việt Nam và Campuchia cho biết đơn vị đã có ba thập kỷ chuyển giao các giải pháp công nghệ tối ưu hóa quy trình, nâng cao năng suất và thúc đẩy bền vững tại Việt Nam. Công nghệ hiện có giúp loại bỏ 70% mức phát thải carbon trong chuỗi mắt xích năng lượng và tiết kiệm đến 2.000 tỷ USD cho toàn cầu đến năm 2030.
Các chuyên gia đưa ra dẫn chứng cho thấy trong bốn cuộc cách mạng công nghiệp, công nghệ là yếu tố cốt lõi định hình nền kinh tế toàn cầu và khai phá nguồn năng lượng mới. Cụ thể, công nghệ động cơ hơi nước gắn liền với than (1765), động cơ đốt trong với điện - khí đốt - dầu mỏ (1870), điện tử viễn thông với năng lượng hạt nhân (1969) và công nghệ số mở màn cho kỷ nguyên năng lượng tái tạo (2000).
Khác với ba cuộc cách mạng trước, cách mạng công nghiệp 4.0 hướng đến phát triển kinh tế bền vững và giải quyết các thách thức về biến đổi khí hậu. Trong hai thập kỷ qua, nền kinh tế tuần hoàn (tái sử dụng tài nguyên) đang dần thay thế kinh tế tuyến tính (khai thác cạn kiệt tài nguyên). Nền kinh tế carbon thấp là một trong các điều kiện cần để đạt mục tiêu Net Zero vào năm 2050.
Giải pháp cho tương lai
Ngày 26/6, Schneider Electric được tạp chí Time và Statista vinh danh "Công ty Bền vững nhất thế giới 2024". Ông XingJian Pang, Tổng giám đốc điều hành Schneider Electric khu vực Đông Á chia sẻ, công ty đang theo đuổi mục tiêu trao quyền và lan tỏa sứ mệnh "Impact Makers" (Người kiến tạo tác động bền vững). Để hiện thực hóa tầm nhìn này, doanh nghiệp phát triển và công bố loạt giải pháp công nghệ hỗ trợ đối tác, khách hàng giảm phát thải trong toàn bộ chuỗi giá trị.
"Trước biến động của thế giới, công nghệ là chìa khóa để chúng ta giảm lượng khí thải và thu hẹp khoảng cách giữa tiến bộ và tính bền vững," ông XingJian Pang phát biểu.
Một số giải pháp có thể kể đến như: EcoStruxure Machine Expert Twin, tiết kiệm 20% chi phí kiểm định chất lượng và rút gọn 60% quá trình vận hành thử. MasterPacT MTZ Active, máy cắt không khí mới nhất của Schneider Electric với dòng định mức 630A-6300A giúp tăng tốc hiệu quả sử dụng năng lượng và giảm carbon, tối ưu hóa tuổi thọ của thiết bị.
Theo báo cáo từ chương trình tác động bền vững Schneider (SSI), hệ sinh thái giải pháp về tự động hóa, số hóa và điện hóa của doanh nghiệp đã giúp khách hàng giảm được 112 triệu tấn carbon trong năm 2023 và 553 triệu tấn CO2 kể từ năm 2018. Các đối tác của doanh nghiệp cũng tạo được bước đệm để chớp lấy những cơ hội kinh doanh mới trong kỷ nguyên số.
Để đưa công nghệ đi xa hơn, Schneider Electric đang đẩy mạnh hợp tác với các đối tác và khách hàng trên bốn lĩnh vực tạo tác động lớn đến giảm phát thải gồm: trung tâm dữ liệu, tòa nhà, công nghiệp, cơ sở hạ tầng.
(Nguồn: Schneider Electric)