Một vụ phóng tên lửa tầm xa hoặc thử hạt nhân lớn chắc chắn sẽ gia tăng căng thẳng ở khu vực, vốn đang nhen nhóm bùng phát trở lại vì các vụ thử tên lửa tầm ngắn của Triều Tiên, chuyên gia nhận định. Đó cũng sẽ là đòn giáng nặng nề vào một trong những sáng kiến chính sách đối ngoại trọng tâm của chính quyền Tổng thống Mỹ Donald Trump: Đưa Triều Tiên trở lại bàn đàm phán để loại bỏ vũ khí hạt nhân và tên lửa.
Hồi đầu tháng, giới chức Mỹ cho biết Triều Tiên đã tiến hành một vụ thử động cơ. Bình Nhưỡng mô tả đây là cuộc thử nghiệm "vô cùng quan trọng", trong khi giới chuyên gia suy đoán nó có thể liên quan tới động cơ cho tên lửa tầm xa hoặc vệ tinh phóng vào không gian.
Các quan chức còn lo ngại rằng cuộc thử nghiệm trên chỉ là bước dạo đầu cho một vụ phóng tên lửa đạn đạo xuyên lục địa (ICBM) trong những ngày hoặc tuần sắp tới.
Bất kỳ vụ thử ICBM nào đều sẽ tác động nghiêm trọng tới các nỗ lực ngoại giao bởi nó được coi là động thái của Triều Tiên nhằm tuyên bố rằng họ sắp hoặc đã đủ khả năng phóng tên lửa tới Mỹ.
"Triều Tiên đang phát triển. Họ đang xây dựng những năng lực mới", Anthony Wier, cựu quan chức Bộ Ngoại giao Mỹ, đánh giá. "Nếu cứ tiếp tục như vậy, họ sẽ sở hữu những tên lửa mới đủ sức đe dọa nước Mỹ cùng đồng minh của chúng ta theo những cách thức mới".
Hồi đầu tháng 12, Triều Tiên cảnh báo một "món quà Giáng sinh" dành cho Mỹ, nói rằng chính quyền Trump sắp hết thời gian cứu vãn các cuộc đàm phán hạt nhân và "món quà" của Bình Nhưỡng là gì phụ thuộc hoàn toàn vào hành động của Washington.
Theo Victor Cha, chuyên gia về Triều Tiên tại Trung tâm Nghiên cứu Chiến lược và Quốc tế (CSIS), quá trình đánh giá, phân tích các bãi phóng của Bình Nhưỡng cho thấy họ "về cơ bản đã sẵn sàng hành động".
Ông cho hay Triều Tiên có khả năng sẽ thử tên lửa đạn đạo trên biển hay thử tên lửa nhiên liệu rắn. Sử dụng nhiên liệu rắn giúp Triều Tiên tiết kiệm thời gian phóng hơn. Các vụ phóng trên biển lại gây khó khăn trong việc xác định vị trí và rút ngắn thời gian cảnh báo đối với Mỹ.
"Cả hai khả năng này đều sẽ là vấn đề mới mà Mỹ phải xử lý", Cha bình luận.
Bộ trưởng Quốc phòng Mark Esper hồi đầu tuần cho biết Mỹ hoàn toàn hiểu về khả năng Triều Tiên tiến hành một vụ thử nghiệm vũ khí trong dịp Giáng sinh.
"Tôi đã theo dõi bán đảo Triều Tiên gần 1/4 thế kỷ. Tôi đã quá quen với các chiến thuật và những lời đe dọa từ họ", ông nói. "Chúng ta cần nghiêm túc và ngồi lại với nhau để thảo luận về một thỏa thuận chính trị giúp phi hạt nhân hóa bán đảo. Đó là cách tốt nhất và duy nhất nếu chúng ta muốn làm điều gì đó mang tính xây dựng".
Thứ trưởng Ngoại giao Stephen Biegun, đặc phái viên Mỹ về Triều Tiên, cũng cảnh báo về một vụ phóng tên lửa tiềm tàng.
"Chúng tôi hoàn toàn nhận thức được về khả năng Triều Tiên sẽ có một động thái khiêu khích lớn trong những ngày sắp tới", ông nói. "Những hành động như vậy thực sự không giúp ích gì với mục tiêu xây dựng hòa bình lâu dài cho bán đảo Triều Tiên".
Tại hội nghị thượng đỉnh hồi tháng 6/2018 ở Singapore, Tổng thống Trump và lãnh đạo Triều Tiên Kim Jong-un ra một tuyên bố chung khẳng định Bình Nhưỡng "cam kết nỗ lực phi hạt nhân hóa hoàn toàn bán đảo Triều Tiên". Nhưng từ cuối tháng hai năm nay, sau khi hội nghị thượng đỉnh Trump - Kim lần hai ở Hà Nội không đạt kết quả, tiến trình đàm phán đã lâm vào ngõ cụt.
Theo thời gian, giọng điệu thách thức của Bình Nhưỡng ngày càng tăng tiến. Triều Tiên gần đây còn liên tục thử tên lửa tầm ngắn.
Cha nhận định từ hội nghị thượng đỉnh ở Singapore, Bình Nhưỡng đã phát triển đáng kể năng lực tên lửa. "Theo hầu hết các số liệu, chính sách của Trump đã không thành công", ông nói.
Theo quân đội Mỹ, năm 2019, Triều Tiên đã phóng hơn 20 tên lửa. Chúng bao gồm một số mẫu tên lửa mới cùng một tên lửa đạn đạo phóng từ tàu ngầm, vi phạm nghị quyết của Hội đồng Bảo an Liên Hợp Quốc.
"Chính quyền Trump và bản thân Tổng thống Trump cần được ghi nhận vì đã có những động thái thúc đẩy ngoại giao với Triều Tiên", Wier nhận xét. "Đó là điều tốt nhưng giờ đây, đã đến lúc trao quyền cho những nỗ lực ngoại giao thực sự".
Vũ Hoàng (Theo AP, Daily Mail)