Khi Paul Sillers, cây viết chuyên mảng du lịch - hàng không sống tại London, đang đi bộ trên những con đường vắng vẻ ra cửa hàng tạp hóa, sự yên tĩnh bỗng bị phá vỡ bởi tiếng động cơ phản lực trên bầu trời. Khi Covid-19 bùng phát, hàng tỷ người trên khắp thế giới đang ở nhà, bị hạn chế đi lại. Câu hỏi đầu tiên bật lên trong đầu Sillers chính là: Những chiếc máy bay kia đang bay đi đâu? Chúng thuộc hãng nào và tại sao vẫn bay khi hầu như không còn ai đi lại? Những chiếc máy bay đó đang chở ai và những gì?
Những chuyến bay chở hàng hóa
Vào ngày 9/5, Cục An ninh Vận tải Mỹ cho biết, chỉ có 170.000 hành khách tham gia vận chuyển hàng không, giảm 1,8 triệu so với cùng kỳ năm 2019. Tại châu Âu, hãng hàng không giá rẻ Ryanair cho biết họ dự kiến bay ít hơn 1% theo lịch trình trong quý này. Hãng Qantas của Australia tuyên bố hãng đang hoạt động khoảng 5% các chuyến bay nội địa và 1% các tuyến quốc tế.
Do đó, trong thời điểm này, phần lớn các máy bay thương mại chở khách đều nằm dưới mặt đất, và thay vào đó chúng được điều chỉnh để chở thực phẩm, hàng hóa thiết yếu, PPE (trang thiết bị bảo hộ cá nhân) để tạo doanh thu. Ví dụ như tập đoàn Lufthansa, hiện tại nhiều máy bay chở khách của hãng được sử dụng cho việc vận chuyển hàng hóa, bao gồm cả máy bay A330 và A350. Hãng hàng không Austrian Airlines của Áo cũng chuyển hai chiếc Boeing 777 thành "Prachters" (máy bay chở khách thành máy bay chở hàng).
Tại Tokyo, phi hành đoàn của All Nippon Airways (ANA) đang bay với khẩu trang, quần áo bảo hộ và các bộ kit xét nghiệm đặt trên ghế hành khách cũng như khoang chứa đồ trên cao trong chặng Thượng Hải - Haneda.
Những chuyến bay hồi hương
Khi các nước trên thế giới lần lượt đóng biên, phong tỏa hoặc hạn chế đi lại vào tháng 3, các hãng hàng không đã hủy chuyến bay để giảm sự lây lan của nCoV. Hàng triệu khách du lịch, doanh nhân bị mắc kẹt ở nước ngoài và không thể trở về nhà ngay.
Do đó, trong tháng 3 và 4, phần lớn các chuyến bay quốc tế đều là chuyến bay hồi hương. Điều này tiếp tục kéo dài đến tháng 5 và 6 do nhiều nước đến thời điểm này mới mở cửa biên giới. Trong tháng 5, Air India là hãng bay đạt "thành tích" bay quốc tế cao nhất, khi họ sử dụng 64 chuyến bay để đưa hàng nghìn công dân hồi hương. Đây là một phần trong nhiệm vụ giải cứu công dân mắc kẹt trên toàn cầu do chính phủ Ấn Độ thực hiện.
United Airlines của Mỹ đang thực hiện chuyến bay hồi hương thứ hai trong tháng, từ thành phố Belize (Belize) vào ngày 14/5. Còn airBaltic, hãng bay của Latvia, thực hiện các chuyến bay vào giữa tháng 5 để đưa công dân từ Amsterdam, Hà Lan, về nước. Qantas cũng có các chuyến bay trong tháng 5 và 6, chặng Los Angeles-Melbourne và Brisbane, London - Melbourne và Perth.
Những chuyến bay chở nhân viên y tế
Từ tháng 4, chính phủ cho phép Delta Airlines cất cánh các chuyến bay y tế, chở các bác sĩ tới những khu vực chịu ảnh hưởng nặng nề của Covid-19. 350 người đã đặt các chuyến bay tới gần 30 bang và hai tỉnh của Canada. Deloitte, tập đoàn kiểm toán lớn nhất thế giới, đang quyên tặng số vé dư chưa sử dụng để các bác sĩ đi hỗ trợ bệnh nhân Covid-19 có thể bay miễn phí.
Tại Thái Lan, các nhân viên y tế từ ngày 15/5 đến 31/7 cũng được giảm 20% giá vé của Bangkok Airways, nếu xuất trình giấy tờ hợp lệ tại quầy làm thủ tục.
Những chuyến bay đưa khách trở lại bầu trời
Nhiều hãng bay như KLM của Hà Lan tuy chậm nhưng đã bắt đầu thực hiện các chuyến bay chở khách thương mại. Vào tháng 3, hãng hàng không của Hà Lan đã bay ít hơn 10% so với lịch trình, nhưng nay con số đó đã tăng lên 15%. Một số hãng khác thậm chí đã lên kế hoạch cho các chuyến bay phục vụ cho nhu cầu du lịch của hành khách bị dồn nén lâu nay, sau khi hạn chế đi lại được gỡ bỏ.
Wizz Air đã công bố mở 6 đường bay mới trong khoảng thời gian từ tháng 6 đến 10, từ sân bay London - Luton tới các điểm đến nghỉ mát nổi tiếng ở Corfu, Heraklion, Rhodes, Zakynthos, Faro và Marrakesh. Ngoài ra, hãng đã nối lại các chặng bay cũ như Budapest, Burgas, Lisbon, Sofia, Tenerife, Tel Aviv và Varna.
Tại Đức, Lufthansa hiện cung cấp 40 chuyến bay mỗi ngày từ Frankfurt và Munich tới nhiều thành phố khác ở châu Âu. Mỗi ngày hãng khai thác hai chuyến bay khứ hồi tới London và đều không phải là chuyến bay hồi hương. Trên thế giới, Lufthansa hiện có 15 đường bay tới Newark và Chicago (Mỹ), Sao Paulo (Brazil), Bangkok (Thái Lan), Tokyo (Nhật Bản). Từ 18/5, hãng sẽ bay đến Athens (Hy Lạp), Porto (Bồ Đào Nha), Gothenburg (Thụy Điển). Các chuyến bay nội địa cất cánh từ Munich được tăng gấp đôi. Trong tháng 6, hãng dự định kích hoạt lại 80 máy bay của hãng để đáp ứng nhu cầu đi lại ngày càng tăng của khách.
Trong khi đó Air France đã điều chỉnh lịch trình của mình kể từ khi Covid-19 bùng phát tại Pháp. Ngoài các chuyến bay hồi hương, hãng vẫn tiếp tục các chuyến bay thương mại đến các lãnh thổ hải ngoại thuộc Pháp nhằm phục vụ nhu cầu du lịch của người dân. Từ 14/3, hãng hồi hương hơn 250.000 khách và tiếp tục phục vụ việc di chuyển đến các lãnh thổ hải ngoại và 35 điểm đến trên toàn thế giới. Dù vậy, các chuyến bay này chiếm chưa đến 5% công suất của hãng.
Tại Thái Lan, Bangkok Airlines sẽ nối lại các hoạt động bay nội địa từ ngày 15/5 với lịch trình Bangkok - Samui khứ hồi hai lần mỗi ngày. Các hoạt động bay sẽ tuân thủ nghiêm ngặt mọi biện pháp an toàn, giãn cách xã hội.
Qatar Airways đang lên kế hoạch nối lại mạng lưới hoạt động tại hơn 50 điểm đến trên thế giới vào cuối tháng 5. Đến cuối tháng 6, hãng đặt mục tiêu phục vụ 80 điểm đến gồm 33 điểm ở châu Á, 23 điểm ở châu Âu, 4 điểm ở châu Mỹ, 20 điểm ở Trung Đông và châu Phi.
Tại New Zealand, Air New Zealand dự định hoạt động 20% công suất các chuyến nội địa. Greg Foran, ông chủ của hãng, cho biết họ đã sẵn sàng cho các dịch vụ nội địa, tuy nhiên để tăng tần suất bay vẫn còn là một chặng đường dài.
Anh Minh (Theo CNN)