Năm 2007, Michael Paley đến Cairo thăm con gái Naamah, sinh viên đại học Michigan, Mỹ và đang ở Ai Cập học tiếng Arab. Vài tuần sau đó, Paley có chuyến đi đến Israel. Vì vậy, ông nhờ người đặt vé bay thẳng từ thủ đô Cairo, nơi vừa đến thăm con gái, tới Tel Aviv. Trong trí nhớ của nam hành khách Mỹ, đó là chuyến bay dài 50 phút vào một ngày đẹp trời.
"Trước đây, tôi không lo lắng về các chuyến bay. Nhưng khi đến sân bay lần đó, cảm giác lo lắng ập đến khi tôi không tìm thấy cổng khởi hành. Nó không hiện trên bảng tin điện tử. Vì vậy, tôi đã phải đi hỏi. Khi tìm được cổng ra, tôi không thấy có dấu hiệu nào chỉ ra rằng đây là cổng đến Tel Aviv".
Cuối cùng, nam hành khách được dẫn lên một chiếc xe bus cùng những người khác đến góc xa của đường băng. Tại đây đậu một chiếc máy bay nhỏ màu trắng, không có bất kỳ logo hay dòng chữ nào để xác nhận thuộc về hãng nào. Cảm giác lúc này với Paley là mình đang đi đâu đó bất hợp pháp. Rất nhiều năm sau này, ông vẫn giữ nguyên cảm giác kỳ lạ về chuyến bay tới Tel Aviv năm đó.
Chiếc máy bay không thương hiệu, không logo mà Paley từng lên thuộc về hãng Air Sinai và chỉ bay chặng Cairo - Tel Aviv.
Năm 1979, Israel và Ai Cập đã ký hiệp ước hòa bình lịch sử, dưới sự giám sát của Mỹ. Điều này giúp Ai Cập trở thành quốc gia Arab đầu tiên công nhận nhà nước Israel. Air Sinai, được thành lập năm 1982 mang theo nhiệm vụ hoàn thành một điều khoản trong hiệp ước ký năm 1979 đó. Và điều khoản này phải được thực hiện trong vòng 3 năm kể từ khi ký kết: hai nước phải duy trì các chuyến bay thương mại. Do đó, trong suốt nhiều năm sau, Air Sinai luôn thực hiện các chuyến bay thẳng nối hai thành phố Cairo - Tel Aviv. Trên thực tế, khoảng cách giữa hai thành phố này chỉ gần 400 km.
Sau hiệp ước này, nhiều nước Arab đã "tẩy chay" Ai Cập, Daniel Kurtzer, Đại sứ Mỹ tại Ai Cập từ năm 1979 đến 1982 nói. Ông cũng cho biết, sự thù địch, phản đối Israel từ trong nước khiến Ai Cập không muốn chuyến bay Cairo - Tel Aviv công khai. Đó là lý do Air Sinai ra đời. Air Sinai đã sử dụng phi công, máy bay và tiếp viên của hãng EgyptAir. Các chuyến bay diễn ra âm thầm, và không ai biết. Mọi hoạt động chỉ thực hiện trên giấy. Việc bay những chuyến bay màu trắng không thương hiệu, không logo trên bầu trời sẽ giúp cho Air Sinai thêm phần kín đáo, bí mật.
Bên cạnh đó, sự tồn tại của Air Sinai cũng ít người biết. Trong phần lớn lịch sử hình thành của hãng, bất kỳ hành khách tìm kiếm vé bay thẳng Cairo - Tel Aviv sẽ tìm thấy rất nhiều sự lựa chọn, với nhiều hãng bay khác nhau. Nhưng phần lớn là các chuyến bay nối chuyến, dừng tại thủ đô Amman, Jordan hay Istanbul, Thổ Nhĩ Kỳ.
Ngoài ra, hành khách cũng có thể tìm thấy một vài thông tin hiếm hoi về chặng bay thẳng. Và thông thường, khi muốn đặt vé bạn sẽ phải liên hệ trực tiếp với hãng hoặc đại lý du lịch. Và du khách chỉ có thể tìm được địa chỉ này qua... truyền miệng. Lý do Air Sinai không có trang web, không có lịch trình chuyến bay công khai và không có cơ chế đặt vé trực tuyến hay số hotline để liên lạc. Dù trên thực tế, hãng trở thành công ty con của EgyptAir từ năm 2002, nhưng không được công khai để nhiều người biết tới rộng rãi.
Điều đặc biệt nữa là Air Sinai chỉ lấy tiền mặt, và thường là USD. Trong nhiều năm, trước khi Air Sinai chấp nhận đặt vé qua email và chuyển khoản ngân hàng, hành khách sẽ phải đến văn phòng của hãng tại Tel Aviv với phong bì tiền mặt bên trong. Cuối năm 2010, vé máy bay của hãng này trông vẫn khá cổ điển.
Gần đây, hành khách bắt đầu nhận được các email gửi thông tin chuyến bay của hãng. Thẻ tín dụng vẫn không được chấp nhận và tiền mặt là ưu tiên số một. Một du khách Mỹ gần đây khi muốn hủy chuyến bay đã phải tìm một người bạn có tài khoản ngân hàng ở Israel để hãng hoàn trả tiền vào đó. Nhiều người miêu tả về trải nghiệm đặt vé máy bay chặng này của hãng là một sự kỳ lạ. Nó gợi nhớ tới kỷ nguyên của việc mua bán vé máy bay trước khi có giao dịch trực tuyến.
Một nam hành khách bay vào tháng 6/2019 nhớ lại việc đã nhận cuộc gọi từ một người phụ nữ về việc chuyến bay bị lùi một ngày. Đây là nhân viên anh đã liên lạc qua email để đặt chuyến bay. Lý do là nhóm khách hành hương người Nam Phi đã bao trọn chuyến.
Đến năm 2014, EgyptAir chính thức bỏ Israel khỏi bản đồ bay trong thời gian chiến tranh lần hai trên dải Gaza. Đây cũng là năm mà sân bay quốc tế Cairo và sân bay quốc tế Ben Gurion ở Tel Aviv bắt đầu cho hiển thị các chuyến bay của Air Sinai trên bảng tin điện tử tại các nhà ga.
Tháng 2/2020, trang web flyairsinai.com xuất hiện, bất kỳ ai cũng có thể đặt chuyến bay của hãng này mà không cần gửi mail như trước. Hành khách cũng được dùng thẻ tín dụng để thanh toán khi mua vé.
Ngày nay, Air Sinai vẫn tiếp tục phục vụ các doanh nhân, khách du lịch, khách hành hương kito giáo và du khách đi khắp Trung Đông. Sự xuất hiện trực tuyến của hãng nhằm thu hút sự quan tâm nhiều hơn của hành khách và không còn bị cản trở nhiều về các mối quan ngại an ninh. Hiện tại, du lịch Israel vẫn chưa lấy được "phong độ" như những năm 1980 hay 1990, sự tồn tại của Air Sinai vẫn đóng vai trò như một lời nhắc nhở rằng hai quốc gia này vẫn có sự kết nối, và nó vẫn hoạt động.
Anh Minh (Theo Atlasobscura)