Tham gia bán đợt này chủ yếu là các cổ đông VIP trong hội đồng quản trị hay ban điều hành. Nửa đầu tháng 7, ông Đỗ Văn Trắc, Chủ tịch HĐQT Công ty cổ phần Trường Phú (mã: TGP – UpCOM) đã bán một triệu đơn vị TGP theo phương pháp khớp lệnh và thỏa thuận trên sàn.
Một tuần sau, ông Lê Xuân Hải, Chủ tịch HĐQT Công ty cổ phần Bất động sản du lịch Ninh Vân Bay (mã: NVT – HOSE) cũng đăng ký bán 3,7 triệu cổ phiếu của chính doanh nghiệp mình dưới hình thức thỏa thuận hoặc khớp lệnh. Mục đích nêu ra trong thông báo là cân đối nhu cầu tài chính cá nhân. Cũng trong tháng 7, ông Nguyễn Hoàng Long, Phó chủ tịch HĐQT Công ty cổ phần chứng khoán Âu Việt (mã: AVS – HNX) đăng ký bán 900.000 cổ phiếu.
Không chỉ các sếp lớn đua nhau bán cổ phiếu, những tổ chức, cá nhân là cổ đông lớn có liên quan đến ban quản trị cũng ồ ạt đăng ký bán.
Nổi bật nhất phải kể đến giao dịch của ông Đặng Thành Tâm khi bất ngờ bán 22 triệu cổ phiếu của Công ty cổ phần khoáng sản Sài Gòn – Quy Nhơn (mã: SQC – HNX), tương đương 1.400 tỷ đồng theo phương thức thỏa thuận.
Ông Đặng Thành Tâm vẫn quyết định bán cổ phiếu dù SQC lãi to trong nửa đầu năm 2012. Ảnh: Hoàng Hà |
Ông Tâm là anh trai bà Đặng Thị Hoàng Phượng – Chủ tịch HĐQT SQC. Quyết định bán của ông Tâm được công bố sau khi SQC báo cáo kết quả kinh doanh ấn tượng với lợi nhuận 6 tháng đầu năm tăng 162% so với cùng kỳ năm ngoái, đạt 86 tỷ đồng.
Cũng trong tháng 7, Tập đoàn đầu tư I.P.A, đơn vị có liên quan tới Ủy viên HĐQT Công ty chứng khoán VNDIRECT (mã: VND – HNX) cũng bán 5 triệu cổ phiếu VND. Đồng thời, Công ty cổ phần Phát triển thành phố xanh do Phó tổng giám đốc Tập đoàn Vingroup (mã: VIC – HOSE) điều hành, bà Hoàng Bạch Dương, bán cổ phiếu VIC với số lượng lên tới hơn 4 triệu đơn vị theo hình thức khớp lệnh và thỏa thuận nhằm mục đích thu hồi vốn đầu tư.
Sang tháng 8, ông Nguyễn Khắc Lạc, Ủy viên HĐQT AVS tiếp tục bán hơn 1,6 triệu cổ phiếu công ty, giảm tỷ lệ sở hữu xuống 0,28%. Hồi tháng 3, AVS đã bị đưa vào diện cảnh báo do hoạt động kinh doanh của công ty thua lỗ kể từ năm 2011.
Đồng thời, ông Bùi Tuấn Ngọc, Chủ tịch HĐQT Công ty cổ phần Kho vận giao nhận ngoại thương TP HCM (mã: TMS – HOSE) cũng bán toàn bộ 1,76 triệu cổ phiếu. Số lượng này tương ứng 9,65% cổ phiếu đang lưu hành của doanh nghiệp trên thị trường.
Nhận định về trào lưu này, ông Nguyễn Việt Đức, Giám đốc Nghiên cứu và Phân tích kinh tế, Công ty cổ phần Quản lý quỹ đầu tư Sài Gòn – Hà Nội (SHF) cho biết: “Thông thường, việc bán cổ phiếu số lượng lớn thể hiện những dấu hiệu không tốt, liên quan tới sự thiếu gắn bó của lãnh đạo đối với doanh nghiệp.”
Ông cũng nói thêm, các nguyên nhân khiến sếp lớn bán cổ phiếu thường là thu hẹp phạm vi hoạt động, do thông tin xuất phát từ nội bộ hoặc giải chấp cổ phiếu, bán ra để lấy tiền vay vốn ngân hàng hoặc thực hiện mục đích đầu tư khác. Nhiều vị lãnh đạo cấp cao vẫn thường đầu tư nhiều danh mục ngoài ngành khác nhau, đến một thời điểm nhất định, họ sẽ bán bớt cổ phiếu để tập trung vào ngành chính, ông Đức nhận định.
Về vấn đề một số ý kiến cho rằng, các sếp lớn thi nhau bán cổ phiếu làm dấy lên quan ngại họ tranh thủ chốt lời thay vì tiếp tục đầu tư cho doanh nghiệp, ông Đức khẳng định điều này có thể đúng. Tuy nhiên, muốn xác định mục đích có phải chốt lời thực sự hay không, các nhà đầu tư cần tìm hiểu đối tượng mua là tổ chức hay chỉ là cổ đông thỏa thuận bình thường, ông Đức chia sẻ thêm.
Cũng theo vị Giám đốc phân tích của SHF, từ trước tới nay, thị trường rất hiếm những đợt sếp lớn ồ ạt bán cổ phiếu như vậy. Thời điểm năm 2007 là hiện tượng hiếm hoi duy nhất khi họ gom bán để chốt lời do chứng khoán tăng trưởng nóng.
Tuy nhiên, việc những cổ đông lớn bán mạnh trong đợt này lại mang tính chất khác và không phải do thị trường tạo đỉnh như năm 2007. Nguyên nhân phần lớn vẫn là do họ gặp kinh tế khó khăn và cần tái cơ cấu danh mục nên quyết định bán, ông Đức phân tích.
Theo thống kê của VNDIRECT, có khoảng 20 giao dịch bán và đăng ký bán của các cổ đông VIP đã diễn ra kể từ nửa đầu tháng 7 tới nay, trong khi đó giao dịch mua và đăng ký mua của các sếp chỉ khoảng 15. Khối lượng đăng ký bán cũng nhiều hơn so với mua.
Tường Vi