Các nhà sinh vật học từ Đại học Alberta của Canada gần đây đã theo dõi hành vi sinh sản và phân tích bộ gene của 213 cá thể gấu nâu ở dãy núi Rocky, sau đó so sánh với dữ liệu ADN trước đó để tạo ra một "cây gia đình". Kết quả cho thấy những con thường xuyên cọ xát cơ thể vào thân cây, cột điện hoặc trụ hàng rào thu hút nhiều bạn tình hơn và tạo ra số lượng con non nhiều hơn.
Cụ thể, đối với gấu nâu đực, mỗi lần chúng thực hiện hành động này ở các địa điểm khác nhau làm tăng cơ hội bắt cặp với bạn tình lên 1,38 lần. Trong khi đó ở gấu cái, số lượng con non được sinh ra cũng tăng khoảng 1,55 lần.
Điều này cho thấy hành vi chà xát cơ thể của gấu có liên quan đến mức độ thành công trong giao phối và sinh sản. Trước đây, các nhà khoa học cho rằng chúng làm như vậy chỉ để "gãi ngứa" và xua đuổi côn trùng.
"Những con gấu chà xát nhiều hơn dường như có có tình trạng sức khỏe tốt hơn, qua đó hấp dẫn hơn trong mắt bạn tình", tác giả chính của nghiên cứu Mark Boyce giải thích. "Theo những gì chúng tôi biết, tất cả gấu nâu đều thực hiện 'điệu nhảy' này. Chúng cọ lưng vào thân cây, dậm chân và để lại mùi hương, thứ giúp những con gấu khác xác định danh tính và vị trí của chúng".
Hành vi chà xát cơ thể ở gấu nâu thậm chí còn được quan sát thấy ở con non, nhưng với mục đích sinh tồn. Nguyên nhân là do gấu đực hung dữ có xu hướng tấn công và giết chết những con gấu con để giao phối với mẹ của chúng, nhưng nó thường không sát hại họ hàng của mình. Do đó, gấu con cọ lưng vào những chỗ mà con đực đã cọ xát trước đó để "ám mùi" của nó, hay nói cách khác là khiến chúng có mùi giống với họ hàng của gấu đực. Điều này sẽ làm giảm nguy cơ bị gấu đực tấn công, theo Live Science.
Chi tiết nghiên cứu đã được xuất bản trên tạp chí Plos One hôm 3/5.
Đoàn Dương (Theo Science Times)