Họ Azhdarchid bao gồm các loài dực long hay thằn lằn có cánh lớn nhất từng bay lượn trên Trái Đất. Chúng sống trong kỷ Phấn Trắng cách đây 108 - 66 triệu năm, sử dụng chiếc mỏ dài giống như ngọn giáo để săn cá và các loài động vật nhỏ.
Một trong những điều khiến các nhà khoa học bối rối nhất về nhóm bò sát tiền sử này là chúng sở hữu một chiếc cổ rất dài, lên tới 3 m, dài hơn cả hươu cao cổ. Điều này đặt ra câu hỏi: "Bằng cách nào mà chúng có thể ngẩng cao đầu và bay lượn với sức nặng của chiếc cổ lớn như vậy?".
Trong một nghiên cứu mới xuất bản trên tạp chí iScience hôm 14/4, các nhà cổ sinh vật học do nghiên cứu sinh tiến sĩ Cariad Williams từ Đại học Illinois của Mỹ dẫn đầu dường như đã tìm được câu trả lời.
Bằng cách kiểm tra mẫu vật Azhdarchid được khai quật ở Morocco, Williams cùng các cộng sự đã phát hiện một cấu trúc phức tạp "không giống bất cứ thứ gì từng thấy trước đây" bên trong đốt sống của chúng, giúp xương chắc khỏe hơn nhưng vẫn đảm bảo khối lượng nhẹ.
Nhóm nghiên cứu đã kiểm tra 5 đốt sống bằng phương pháp chụp CT và nhận thấy bên trong có rất nhiều thanh chống (xương nhỏ) được sắp xếp đều theo hướng xuyên tâm và bắt chéo nhau giống như các nan hoa trong bánh xe đạp. Các thanh chống này liên kết ống thần kinh ở trung tâm với bề mặt bên trong của đốt sống.
"Đó là một trong những cấu trúc độc đáo nhất mà chúng tôi từng thấy trong thế giới động vật. Thật ngạc nhiên là không ai phát hiện ra nó sớm hơn", Williams nhấn mạnh.
Nhóm của Williams sau đó đã làm việc với các kỹ sư cơ sinh học và rút ra kết luận rằng chỉ cần 50 chiếc xương có cấu trúc nan hoa như vậy có thể làm tăng thêm 90% khối lượng mà động vật có thể mang trên mình.
Các loài dực long trước đây thường bị coi là ngõ cụt của quá trình tiến hóa. Phát hiện mới cho thấy chúng phát triển tinh vi hơn những gì các nhà khoa học từng nghĩ và xứng đáng được nghiên cứu sâu hơn.
Đoàn Dương (Theo AFP)