Loài dực long mới - được đặt tên là Leptostomia begaaensis - sử dụng chiếc mỏ siêu dài và mảnh khảnh của nó làm công cụ "cày xới" bùn đất để tìm kiếm con mồi trong kỷ Phấn trắng. Hóa thạch của sinh vật lần đầu được phát hiện cách đây vài năm bởi các nhà nghiên cứu từ Đại học Bath và Đại học Portsmouth của Anh nhưng vào thời điểm đó, nó bị nhầm lẫn là xương cá.
Trong một nghiên cứu mới được xuất bản trên tạp chí Cretaceous Research, các nhà cổ sinh vật học đã sử dụng kỹ thuật chụp cắt lớp vi tính (CT Scan) để kiểm tra lại hóa thạch và phát hiện ra nó là một mảnh vỡ từ mỏ dực long chứ không phải xương vây cá như lầm tưởng trước đây.
Giáo sư David Martill từ Đại học Portsmouth cùng các cộng sự đã quay trở lại thành hệ địa chất Kem Kem ở Morocco, nơi hóa thạch đầu tiên của Leptostomia begaaensis được tìm thấy, để khảo sát một lần nữa và đúng như mong đợi, họ đã phát hiện thêm một số mảnh xương của sinh vật.
"Chúng tôi chưa nhìn thấy bất cứ thứ gì giống loài dực long nhỏ này trước đây. Hình dạng của chiếc mỏ là rất độc đáo", Martill nhấn mạnh. "Leptostomia có thể là một loài dực long khá phổ biến, nhưng thật kỳ lạ là đến giờ chúng ta mới biết về chúng".
Không chỉ tương đồng về kích thước, cách săn mồi của L. begaaensis cũng giống chim Kiwi ngày nay. Chiếc mỏ đặc biệt của chúng cho phép tìm kiếm con mồi nhỏ lẩn trốn dưới bùn đất như giun, động vật thân mềm hai mảnh vỏ và giáp xác.
Dực long (Pterosauria) thuộc bộ bò sát có quan hệ họ hàng với khủng long, sống cách đây khoảng 66 - 210 triệu năm. Chúng là động vật có xương sống đầu tiên thích nghi với việc bay lượn, với hai cánh được tạo nên bởi màng da giống như cánh dơi. Hiện đã hơn 100 loài dực long được khám phá với đủ kích thước từ nhỏ như chim sẻ đến lớn như một chiếc máy bay chiến đấu.
Đoàn Dương (Theo EurekAlert)