Theo BBC One TV England, vua Tutankhamun là Pharaoh trẻ nhất và nổi tiếng nhất trong thung lũng các vị vua Ai Cập. Ông trị vì đất nước trong 10 năm rồi qua đời ở tuổi 19. Cái chết của vua mãi là một bí ẩn cho giới nghiên cứu bởi ông ra đi ở độ tuổi được cho là ''sức khỏe và sinh lực của một chàng trai không thể hoàn mỹ hơn".
Từ đó đến nay có rất nhiều nhà khảo cổ khắp thế giới lặn lội đến Ai Cập với hy vọng tìm được manh mối giải mã bí ẩn về cái chết của vị vua trẻ đoản mệnh. Trong số rất nhiều công trình nghiên cứu, đáng lưu ý nhất là phát hiện của nhà khảo cổ người Anh Howard Carter cùng huân tước Carnarvon đã hé mở nguyên nhân các chứng bệnh bẩm sinh cướp đi sinh mạng của vị hoàng đế nổi tiếng nhất đất nước Kim tự tháp huyền bí.
Nhóm nhà khảo cổ tin rằng vua Tutankhamun được sinh ra từ mối quan hệ cận huyết giữa vua cha và chị em ruột. Tiến sĩ Zahi Hawass, cộng sự của Howard Carter công bố các kết quả xét nghiệm mẫu ADN lấy từ xác ướp của cha và mẹ vua Tutankhamon. Phân tích cho thấy vua Tutankhamon chào đời từ mối quan hệ cận huyết giữa vua cha Akhenaten với một trong những chị em gái của ông. Phát hiện này cũng trùng khớp với các tài liệu lịch sử ghi lại rằng: Kết hôn cận huyết là một trong những truyền thống của hoàng gia Ai Cập cổ đại. Họ xem đó là cách để duy trì dòng máu tinh khiết, không bị pha tạp.
Các nhà khoa học và bác sĩ tham gia nghiên cứu đều khẳng định vua Tutankhamun chết do thể trạng yếu và mang nhiều bệnh tật bẩm sinh hình thành từ thời kỳ bào thai. Thông qua các kỹ thuật pháp y hiện đại, nhóm nghiên cứu đã tiến hành khám nghiệm tử thi và phục dựng từ hơn 2.000 tấm ảnh chụp cắt lớp điện toán tái tạo ba bình diện, đồng thời kết hợp phân tích cấu trúc gene di truyền của hoàng tộc.
Kết quả phục dựng chân dung cho thấy vua Tutankhamun bị biến dạng gương mặt, dị tật bàn chân và một bộ gene đầy khiếm khuyết. Các tài liệu lịch sử thời ấy cũng chép rằng người Ai Cập cổ đại không phản đối quan hệ hôn nhân giữa những người thân trong gia đình, một phần để bảo vệ huyết mạch dòng tộc, một phần vì không biết hậu quả của hôn nhân cận huyết ảnh hưởng nghiêm trọng đến thể trạng con cháu đời sau ra sao. Đến nay một số địa phương còn duy trì tập tục hôn nhân cận huyết và nhiều phong tục lạc hậu khác.
Cũng qua lần phân tích khảo cổ trên, nhà khoa học Carter phát hiện trong lăng mộ của vua Tutankhamun có căn phòng chứa đầy vàng bạc, nhiều tượng người và nhân sư bằng vàng ròng, đồ trang sức dùng trong các nghi lễ khánh tiết, những chiếc thuyền nhỏ thể hiện ước muốn thực hiện hành trình đến viếng đền thần Osiris. Trong số đó, đáng chú ý nhất là 2 quan tài nhỏ chứa 2 xác trẻ con.
Sau khi kiểm tra ADN, các nhà khảo cổ phát hiện một trong 2 thi hài trẻ trên là con gái chết yểu của vua Tutankhamun. Họ cho rằng xác ướp còn lại rất có thể là một người con khác của nhà vua. Qua đó, nhóm nghiên cứu nhận định: "Một lần nữa hôn nhân cận huyết nhằm bảo vệ dòng máu hoàng gia đã được tái lập qua việc vua Tutankhamun lấy chị gái của mình làm vợ. Hệ quả là những đứa con sinh ra từ mối quan hệ cận huyết ấy bị dị tật bẩm sinh và chết yểu".
Minh Đức - Thi Trân