Timlock đã chết trong tư thế nằm ngửa giữa phòng khách, tay trái duỗi dài trên sàn, gần đó là ống nghe điện thoại. Lúc đó là khoảng 3h30 ngày 20/6/1989.
Cảnh sát thị trấn Collingwood, tỉnh Ontario xác minh, Debbie Timlock 33 tuổi, là mẹ đơn thân. Tối hôm trước mưa to, Timlock gửi con gái 6 tuổi cho bố mẹ để đi ăn tối cùng nhóm bạn. Sau khi dùng bữa, Timlock từ biệt bạn bè ở bãi đỗ xe nhà hàng.
Căn nhà của Timlock chỉ có một tầng. Lần theo vết máu chảy qua hành lang, cảnh sát tìm thấy cặp kính có gọng kim loại và một chiếc giày cao gót phụ nữ, cả hai đều dính máu. Khắp nơi trong phòng ngủ cũng có máu. Cảnh sát không tìm thấy dấu vân tay lạ, không có đồ đạc quý giá bị mất.
Đồ đạc trong khu nhà bếp bị xáo trộn, cửa sổ trong phòng bếp bị kéo lên cao nên cảnh sát nhận định hung thủ vào qua lối này. Phía bên ngoài, một quả cà chua bị giẫm nát bên dưới cửa sổ, trên bề mặt quả có in hằn vết tích như dấu giày.
Qua giải phẫu tử thi, giám định viên xác định Timlock đã bị xâm hại tình dục rồi bị đâm chết. Tử thi có hai vết thương, một nhát vào tim, nhát còn lại từ phía sau làm tổn thương cột sống gây liệt nửa thân dưới. Như vậy, Timlock đã phải bò từ phòng ngủ ra điện thoại ngoài phòng khách để gọi cấp cứu.
Vì đồ đạc trong nhà còn nguyên, cảnh sát nhận định động cơ gây án có thể do thù hằn cá nhân. Bốn năm trước, Timlock sống cùng Ron Osborn, mắt xích trong đường dây buôn ma túy. Tại tòa, Timlock bất đắc dĩ làm chứng chống lại bạn trai. Tuy nhiên, Osborn được loại khỏi diện tình nghi sau khi cảnh sát xác minh anh ta đang chấp hành án khi vụ án mạng xảy ra.
Sau khi rà soát hồ sơ vụ án ma túy, cảnh sát cũng loại trừ khả năng Timlock bị đồng phạm của Osborn giết hại vì vai trò của Timlock trong cuộc điều tra ban đầu cũng không đáng kể.
Tiếp đó, cảnh sát chuyển hướng chú ý tới chồng cũ của Timlock, ly hôn từ bốn năm trước. Rất mau chóng, hướng điều tra này không khả quan vì anh này có chứng cứ ngoại phạm chắc chắn. Hơn nữa, theo bạn bè của hai bên, Timlock và chồng cũ ly hôn thuận tình, không có tranh chấp lớn, vẫn cùng chia sẻ quyền nuôi con.
Đã loại trừ hết người thuộc diện khả nghi, cảnh sát quay lại tập trung khai thác chứng cứ tại hiện trường, bao gồm dấu giày trên quả cà chua và đôi kính mắt dính máu.
Chuyên gia pháp y thấy rằng vết hằn trên quả cà chua có họa tiết như hình xương cá rất rõ. Bên cạnh họa tiết xương cá còn một họa tiết khá mờ giống hình số 7 hoặc hình chữ S cách điệu.
Sau đó, chuyên gia xem xét đôi kính mắt. Dù đôi kính dính máu nạn nhân, bạn bè và người thân của Timlock đều nói nạn nhân không có thói quen đeo kính. Kết hợp với tình tiết hai gọng kính đều gập lại khi được tìm thấy, mắt kính không bị vỡ, chuyên gia nhận định đây là kính rơi từ túi áo của hung thủ.
Đôi kính này thuộc loại rẻ tiền, phần khung không bao trọn mắt kính mà vẫn có khoảng trống. Hình dáng hai bên mắt kính không giống nhau, một bên đã bị mài vát đi nên đây có thể là đặc trưng nhận dạng. Dấu hiệu hao mòn bên ngoài cho thấy đôi kính này đã được sử dụng trong khoảng thời gian tương đối dài.
Một tuần sau vụ án mạng, cảnh sát tiếp tục phát hiện thêm một nghi phạm là James Brown, 23 tuổi, hàng xóm cũ của Timlock. Theo lời kể của Timlock với bạn, Brown từng cố tán tỉnh cô nhưng không thành công. Người này có chút thành công trong sự nghiệp đấu vật và từng thi đấu tranh cơ hội vào thế vận hội Olympic. Quan trọng hơn, Brown có một số tiền án chủ yếu về đột nhập tư gia, từng phải ngồi tù nhưng không lần nào quá ba tháng.
Làm việc với cảnh sát, Brown phủ nhận mọi liên hệ tới vụ án mạng. Anh ta khai tối hôm sự việc xảy ra đã thuê phòng ở khách sạn cách xa thị trấn. Do bị người lạ mặt tấn công, Brown ngã bất tỉnh, lúc tỉnh dậy đã thấy nằm bên đường cách đó vài dặm. Theo Brown, điều này cũng giải thích được nguồn gốc những vết xước trên mặt của anh ta.
Tuy nhiên, câu chuyện trên không khỏi khiến cảnh sát hoài nghi vì Brown cao 1m9, nặng tới 150 kg, từng là đô vật nên khó có chuyện bị đánh ngất. Đặc biệt, trong hai bức ảnh chân dung chụp khi Brown bị bắt trước đó, cảnh sát thấy Brown có đeo kính mắt khá tương tự đôi kính tại hiện trường.
Dù không đeo kính trong lúc phỏng vấn, Brown thừa nhận có đeo kính mỗi khi đọc giấy tờ, nhưng gần đây đã làm mất kính. Khi cầm trong tay đôi kính tại hiện trường, Brown lập tức nói đây không phải kính mình.
Cảnh sát sau đó xin lệnh khám nhà Brown và thu được một đôi giày chạy màu xanh trong ôtô của Brown, được xác định là loại giày do chính phủ bang Ontario đặt mua từ Czechoslovakia để phát cho tù nhân. Họa tiết dưới đế giày phù hợp với vết hằn trên quả cà chua.
Để biết liệu người nặng 150 kg có thể tạo ra vết hằn như trên quả cà chua tại hiện trường hay không, điều tra viên tổ chức thực nghiệm. Điều tra viên cho người mặc áo chống bom, nhét thêm tạ để đủ trọng lượng 150 kg, đồng thời tưới nước cho quả cà chua để mô phỏng trời mưa như tối xảy ra án mạng. Sau đó, với đôi giày cùng loại và cùng cỡ giày của Brown, người thực nghiệm nhiều lần giẫm vào cà chua. Kết quả thực nghiệm cho thấy họa tiết có được sau thực nghiệm giống hệt họa tiết tại hiện trường.
Tiếp theo, đôi kính mắt được gửi tới chuyên gia khúc xạ nhãn khoa để đối chiếu với đôi kính mà Brown đeo trong ảnh chân dung chụp trong hai lần bị bắt giữ trước đó. Vì góc chụp bị nghiêng, chuyên gia gặp khó khăn trong quá trình đối chiếu.
Khi phóng to ảnh, chuyên gia phát hiện mỗi bên giác mạc của Brown có một đốm trắng xuất hiện do phản chiếu từ ánh đèn flash. Theo chuyên gia, khoảng cách giữa những đốm này bằng với khoảng cách giữa hai đồng tử, số đo cơ bản trong khi làm kính mắt. Chiếu theo hồ sơ y tế, chuyên gia biết được khoảng cách đồng tử của Brown là 72 mm. Với phát hiện này, chuyên gia có được điểm tham chiếu để tính toán các số đo còn lại trong hai ảnh chân dung, bao gồm kích cỡ gọng kính, mắt kính...
Sau khi có được hơn 20 số đo từ đôi kính trong ảnh, chuyên gia đối chiếu với kích cỡ cặp kính tại hiện trường, kết quả đều trùng khớp. Từ đây, chuyên gia kết luận cặp kính tại hiện trường và cặp kính trong hai ảnh chân dung của Brown cùng là một.
Với số chứng cứ thu được, công tố viên khởi tố James Brown về tội Giết người cấp độ I. Công tố viên nhận định tối hôm ấy, sau khi về, Timlock mở cửa sổ phòng bếp để cho thoáng khí rồi đi ngủ. Sau đó, không biết vì lý do gì, Brown trèo qua cửa sổ và giẫm phải quả cà chua bên ngoài nhà. Sau khi gây án, Brown rời hiện trường nhưng không ngờ làm rơi kính mắt.
Tháng 1/1992, Brown bị đưa ra xét xử, cuối cùng bị bồi thẩm đoàn kết tội Giết người cấp độ I, lãnh án chung thân.
Brown luôn khẳng định vô tội, nhưng trong đơn xin ân xá vào năm 2010, ông ta thừa nhận tội trạng và cho biết đã gây án khi bản thân say rượu cực độ. Theo Brown, ông ta nhớ "đã vào một căn hộ và hành hung một người phụ nữ". Khi tỉnh dậy, Brown thấy mình ngồi trong xe, trên đầu bị u một cục và không nhớ gì khác.
Tới năm 2015, Brown được ân xá theo chế độ làm việc ban ngày, giam giữ ban đêm. Năm 2019, Brown được ân xá hoàn toàn và trả tự do sau 27 năm ngồi tù do "đã thể hiện quyết tâm tái hòa nhập cộng đồng bằng cách tìm được việc làm ổn định và lập gia đình trong lúc chấp hành án tù".
Quốc Đạt (Theo Collinwood Today, Simcoe County News)