Khi cảnh sát tới nơi, ngày 7/4/1987, Hartman đã tử vong dưới vách đá. Theo Virginia McGinnis và chồng BJ McGinnis, hai người đi cùng Hartman, ba người đến rặng Big Sur tham quan và tản bộ dọc vách đá, ngắm nhìn bãi biển.
Khi vợ chồng McGinnis ra ôtô để chuẩn bị về, Hartman cố nán lại thêm chút nữa. Quay lại, Virginia và BJ không thấy Hartman đâu, chạy đến gần thì phát hiện cô rơi xuống vách đá cao khoảng 15m so với mực nước biển.
Vợ chồng McGinnis cho biết Hartman gần đây đã ly thân và đang sống tại nhà họ. Khi đi chơi, cô mang giày cao gót, do đó có thể bị trượt chân. Lời khai này trùng khớp với bức ảnh vợ chồng McGinnis chụp cho Hartman ngay trước khi xảy ra sự việc.
Cho rằng đây là tai nạn đơn thuần, cảnh sát khám nghiệm rồi kết luận Hartman tử vong do chấn thương sọ não.
Không thỏa mãn với kết luận điều tra, gia đình Hartman thuê luật sư riêng để tìm lại công lý. Do không có hình ảnh chụp hiện trường, điều tra viên đề nghị nhà McGinnis cung cấp bản sao các bức ảnh họ chụp hôm đó. Khi ấy, máy ảnh vẫn sử dụng dạng phim đĩa nên luật sư có thể xác định trình tự các bức ảnh được chụp.
Nhìn ảnh chụp Hartman, luật sư nhận thấy điều bất thường. Ban đầu, Hartman xuất hiện vui vẻ và tỉnh táo, nhưng ở những bức ảnh sau, cô trông mệt mỏi, buồn ngủ, kiệt sức, mất phương hướng, hai tay buông thõng, cơ mặt chùng xuống, đôi mắt muốn nhắm nghiền như thể bị đầu độc.
Bức ảnh cuối cùng có Hartman xuất hiện cho thấy BJ McGinnis đang đỡ Hartman, hai người đứng sát vách đá. Tư thế của BJ rất khả nghi vì anh ta hướng mắt về phía bên phải như để cảnh giới. Bốn bức ảnh còn lại khá bất thường: các bức ảnh này đều không có người, một bức ảnh chụp dưới chân núi nơi Hartman ngã xuống, ba bức chụp toàn cảnh: bên trái, bên phải và phía sau. Nếu Hartman thực sự trượt chân và ngã xuống vách núi, ai còn đủ bình tĩnh để chụp những bức ảnh sau đó? Khi luật sư chỉ ra, cảnh sát cũng bắt đầu nghi ngờ BJ có thể đã cố tình đẩy Hartman xuống vực.
Vợ chồng McGinnis trở thành nghi phạm số một. Mở rộng điều tra, cảnh sát phát hiện nhà McGinnis vừa đứng ra mua hợp đồng bảo hiểm nhân thọ trị giá 35.000 USD cho Hartman, một ngày trước cái chết của cô. Nhân viên bảo hiểm kể với cảnh sát rằng Virginia đã có câu hỏi đáng ngờ: Tử vong do tai nạn có được bồi thường không?
Trên hợp đồng, người được thụ hưởng tiền bảo hiểm là con trai của Virginia, vốn đang ngồi tù, được kê khai với danh nghĩa chồng chưa cưới của Hartman dù trên thực tế cả hai đã kết hôn với người khác. Chỉ một ngày sau cái chết của Hartman, nhà McGinnis đã gửi đơn yêu cầu bồi thường.
Lúc này, cảnh sát tin họ đang đối mặt với vụ án mạng chứ không còn là tai nạn đơn thuần. Nhờ có chuyên gia khám nghiệm tử thi đã cẩn thận lưu lại mẫu máu của Hartman, cảnh sát có thể gửi mẫu máu đi phân tích hai năm sau sự việc.
Tại phòng thí nghiệm, các nhà khoa học phát hiện trong máu của Hartman có chất Amitriptyline (thành phần trong thuốc chống trầm cảm tên Elavil). Đối với người chưa từng sử dụng Elavil, chỉ một viên cũng có thể khiến họ buồn ngủ, chóng mặt, mất phương hướng. Điều tra lịch sử y tế, cảnh sát phát hiện Hartman chưa từng được bác sĩ kê loại thuốc này, còn Virginia thì ngược lại.
Vì nhân chứng cho biết Hartman và gia đình nhà McGinnis từng dùng bữa trưa cùng nhau vào hôm ấy, Hartman yêu cầu đồ uống có gas, cảnh sát suy đoán có thể nhà McGinnis đã bỏ thuốc vào cốc nước của Hartman.
Không còn cách nào khác, điều tra viên quay lại tìm manh mối ở những bức ảnh chụp trong quá trình khám nghiệm tử thi. Tại đây, chuyên gia pháp y phát hiện hai điều không được nêu trong báo cáo khám nghiệm. Thứ nhất, Hartman có vết thương trên mu bàn tay, nhưng lòng bàn tay gần như không bị thương. Thứ hai, móng tay nạn nhân bị gãy. Điều này khiến cảnh sát nghĩ đến giả thiết Hartman có thể đã bị đẩy xuống vách đá, cố gắng bám trụ nhưng bị hung thủ tấn công vào mu bàn tay, khiến cô rơi xuống vực.
Điều tra sâu hơn về đời tư của Virginia, cảnh sát bị sốc khi phát hiện cô ta có liên quan đến nhiều vụ "tai nạn" không tưởng. Vài năm trước, Virginia từng bỏ túi tiền bảo hiểm từ những vụ tai nạn của con gái ba tuổi và hai người chồng cũ.
Virginia đảm bảo rằng, những người thân trong gia đình gồm chồng và các con đều được mua bảo hiểm nhân thọ, và giá trị mỗi hợp đồng đều là 35.000 USD. Với mức đền bù hợp đồng nhỏ như vậy, công ty bảo hiểm sẽ chi trả mà không cần xem xét.
Theo thông tin trong hợp đồng bảo hiểm mà Virginia mua cho Hartman, người làm chứng là Alice Kessane, hàng xóm của Virginia nhưng người này nói không liên quan. Alice còn chỉ ra tên của chị ta trong hợp đồng bị viết sai chính tả. Ngay lập tức, cảnh sát xin trát tòa yêu cầu Virginia cung cấp mẫu chữ viết. Qua đối chiếu, cảnh sát khẳng định Virginia đã giả mạo chữ ký của Alice trong hợp đồng.
Cho rằng đã đủ chứng cứ kết tội, cảnh sát bắt hai vợ chồng McGinnis, hai năm sau khi Hartman qua đời. Virginia phủ nhận có mặt tại hiện trường.
Trong một bức ảnh chụp Hartman, cảnh sát phát hiện có bóng người chụp ảnh dưới nền đất. Cho rằng người chụp ảnh có thể là Virginia, cảnh sát gửi ảnh tới chuyên gia toán học để tìm kiếm chứng cứ chứng minh.
Do Virginia là người gọi 911 báo tin khẩn cấp, cảnh sát đã có thông tin chính xác về ngày, giờ bức ảnh được chụp, qua đó xác định được vị trí chính xác của mặt trời thời điểm đó. Dựa vào định lý Pytago trong toán học, chuyên gia tính toán được người chụp ảnh cao khoảng 170 cm, trùng khớp với chiều cao của Virginia.
Trước tòa, công tố viên cáo buộc vợ chồng McGinnis đã lợi dụng việc Hartman mới ly thân, đang ở xa gia đình, dễ bị tổn thương để kết bạn, sau đó đánh thuốc mê và đẩy cô xuống vách đá Big Sur.
Trong phiên tòa lưu động kéo dài ba ngày được tổ chức tại hiện trường vụ án, Virginia phủ nhận liên quan đến cái chết, cho rằng Hartman rơi xuống vực do tai nạn.
Sau bốn ngày nghị án, bồi thẩm đoàn bác bỏ lập luận của Virginia, kết án Giết người cấp độ I, phạt tù chung thân. BJ McGinnis không bị buộc tội do chết vì AIDS khi đang ngồi tù chờ xét xử.
Virginia chết trong tù ở tuổi 74. Do không có bằng chứng đầy đủ, Virginia không bị truy cứu trách nhiệm về cái chết của con gái và hai người chồng trước.
Bảo Trung (Theo Filmrise)