Âm nhạc của Hồng Đăng được cất lên, thay lời tiễn biệt của gia đình, đồng nghiệp. Đầu lễ viếng, ca sĩ Minh Thu trình bày Biển hát chiều nay tưởng nhớ cố nhạc sĩ. Ca khúc kết thúc, bà Anh Thúy - vợ ông - xúc động đến ôm chầm ca sĩ. Nhạc sĩ Phạm Ngọc Khôi đệm nhiều bản piano bài hát quen thuộc của Hồng Đăng. Buổi lễ kết thúc trong giai điệu dịu êm của ca khúc Hoa sữa qua tiếng hát Mỹ Linh: "Hoa sữa vẫn ngọt ngào đầu phố đêm đêm/ Có lẽ nào em lại quên anh/ Có lẽ nào anh lại quên em".
Gia đình, đồng nghiệp đưa tiễn nhạc sĩ Hồng Đăng trong lời ca ý nhạc. Video: Hà Thu
Bên linh cữu, gia đình đặt một số bức ảnh của ông thời trẻ. Trong một tấm hình chụp khi nhạc sĩ chưa gặp tai nạn, vẫn có thể đi lại được, ông chở vợ đi giữa những hàng cây ở Hà Nội. Sau này, khi ông phải ngồi xe lăn, bà Thúy lại là người đưa đón chồng. Bạn bè thường bắt gặp hình ảnh nhạc sĩ ngồi sau xe vợ đi cà phê, gặp gỡ bạn bè, xem triển lãm, ca nhạc. Có lần, vừa đèo chồng, bà nghêu ngao hát "Em vẫn từng đèo anh/ Trên những chặng đường quen", biến tấu từ lời bài hát Hoa sữa: "Em vẫn từng đợi anh/ Trên những chặng đường quen" khiến ông phì cười.
>>> Gia đình, đồng nghiệp trong lễ tang nhạc sĩ Hồng Đăng

Nhạc sĩ Hồng Đăng (1936-2022). Ảnh: Giang Huy
Bà Anh Thúy nghẹn ngào nói lời tiễn biệt chồng: "Vẫn biết việc chia tay chỉ là sớm muộn nhưng em và các con, cháu vẫn đau đớn, xót xa. Cả một đời gian truân, vất vả nhưng anh đã sống đúng như ba - cụ Phan Đăng Tài - người luôn tâm niệm: ‘Thế gian vạn sự giai bào ảnh. Thiên kiếp duy dư nhất điểm tình’ (Mọi sự trên thế gian đều là hư ảo, điều lưu lại muôn kiếp là cái tình). Anh, người đàn ông nhân hậu, bao dung và chân tình. Em và các con, cháu hạnh phúc khi được làm vợ, con, cháu anh. Suốt đời anh, một nghệ sĩ chân chính, danh lợi, chức tước, vật chất chỉ là phù du. Với anh, được sống, được làm việc, được yêu thương, được nếm trải buồn, vui, cay đắng, đã là hạnh phúc. Những tác phẩm của anh ra đời được giới nghệ sĩ, công chúng đón nhận. Và âm nhạc là con người anh, hồn hậu, tinh tế và trong sáng, hiện rõ trong từng giai điệu, sự chiêm nghiệm từ những lênh đênh, cay đắng, vấp ngã, chia ly, đã cho mỗi lời ca thấm đẫm triết lý cuộc đời, để khi hát lên ai cũng thấy mình trong mỗi câu chữ. Đấy cũng là hạnh phúc. Cả một đời miệt mài lao động với kho tàng tác phẩm như vậy, cũng là hạnh phúc".

Ca sĩ Mỹ Linh hát tiễn đưa nhạc sĩ Hồng Đăng. Ảnh: Giang Huy
Trong ký ức của nhà phê bình Ngô Thảo, nhạc sĩ Hồng Đăng sống thanh bạch, không giàu vật chất nhưng luôn chan chứa tình cảm. Ông hào phóng với bạn bè, luôn mang theo cuốn sổ, cây bút để tặng mọi người làm kỷ niệm.
Ông Đức Trịnh - Chủ tịch Hội Nhạc sĩ Việt Nam - nói cố nhạc sĩ chan hòa, luôn quan tâm đến thế hệ đàn em, con cháu. "Dù không trực tiếp học ông về lý luận âm nhạc, tôi học được từ ông nhiều về cách đối nhân xử thế. Ông là tấm gương tài hoa, đức độ, luôn nỗ lực cống hiến đến cuối đời. Những năm tháng bị bệnh, nhạc sĩ vẫn đau đáu với âm nhạc, không ngừng sáng tác", nhạc sĩ Đức Trịnh nói.

Bà Anh Thúy (phải) cùng các con lo tang lễ nhạc sĩ Hồng Đăng. Ảnh: Giang Huy
Trong điếu văn, nhạc sĩ Đỗ Hồng Quân điểm lại những thành tựu của Hồng Đăng. Theo ông Quân, ngoài đóng góp về tác phẩm, nhạc sĩ có công lớn trong việc kết nối các thế hệ nghệ sĩ, qua thời gian giữ cương vị tổng thư ký Hội nhạc sĩ Việt Nam ba nhiệm kỳ. Từ những năm 1990, ông tích cực xin kinh phí Nhà nước, giúp đỡ các nhạc sĩ nghèo không đủ điều kiện được xuất bản băng cassette, tuyển tập nhạc. Ông là người chỉ đạo chương trình ca nhạc Nửa thế kỷ bài hát Việt Nam, năm 2014, một dấu ấn đẹp về thời kỳ âm nhạc gắn với những thăng trầm đất nước. Nhiều người trong nghề kính trọng, gọi Hồng Đăng là "nhạc sĩ có tâm Bồ Tát".
Nhạc sĩ Hồng Đăng sinh năm 1936 ở Nghệ An, là cháu ruột nhà cách mạng Phan Đăng Lưu. Những năm 1950, khi còn là học sinh, ông đã sáng tác các ca khúc Nắng về Tây Bắc, Nhớ ơn cụ Hồ, Đời học sinh... Ông là một trong những sinh viên đầu tiên của khoa Sáng tác, trường Âm nhạc Việt Nam (nay là Học viện Âm nhạc Quốc gia Việt Nam).
Thanh Lam hát "Hoa sữa" năm 2015. Video: VTV
Ông sáng tác khoảng 700 tác phẩm, trong đó có nhiều bản nhạc phim nổi tiếng như: Hoa sữa - phim Hà Nội mùa chim làm tổ, Lênh đênh - phim Đời hát rong, Biển hát chiều nay - trong nhiều phim về đề tài biển, Nỗi nhớ đêm đại dương -phim Những hạt muối của biển, Biển và cô gái tôi chưa quen - phim Những ngôi sao nhỏ, Không gian xanh - phim Vùng trời...
Trong hơn 60 năm sống tại Hà Nội, ông sáng tác nhiều tác phẩm về nơi đây như: xướng kịch Sông Hồng ngàn năm (kịch bản Dương Viết Á) được Đoàn Ca múa Hà Nội trình diễn năm 1964, ca khúc Người sông Hồng, Duyên Hà Nội, Tiếng hát trên pháo đài thành phố, Hoa sữa - nhạc phim Hà Nội mùa chim làm tổ, Ký ức đêm, Kỷ niệm thành phố tuổi thơ...
Ông phát hành nhiều album như Màu xanh chân trời (1978), Biển hát chiều nay (1985), Ca khúc Hồng Đăng (1994), Hoa sữa - Lênh đênh (1996), Lênh đênh biển (2008)... Ngoài sáng tác, ông giảng dạy, viết sách, báo... Ông là Phó Tổng thư ký Hội Nhạc sĩ Việt Nam khóa bốn, năm, hội viên Hội Nhà báo Việt Nam và là nhạc sĩ đầu tiên được kết nạp vào Hội Điện ảnh Việt Nam.
Năm 2001, ông được nhận Giải thưởng Nhà nước về văn học nghệ thuật cho các tác phẩm: ca khúc Biển hát chiều nay, Hoa sữa, Quà tháng năm, Kỷ niệm thành phố tuổi thơ và hợp xướng Lửa rực cháy.
Hà Thu