Bác sĩ Ang Peng Tiam và Teoh Tiong Ann từ Trung tâm Ung thư Parkway, giải đáp 11 câu hỏi phổ biến về bệnh ung thư như sau:
Ung thư là gì và bắt đầu thế nào?
Ung thư xảy ra khi các tế bào phân chia không kiểm soát được. Bên cạnh khả năng phát triển và xâm lấn, nó còn có thể lây lan trong nội bộ cơ thể bệnh nhân. Nếu bạn có một khối u nằm ở một chỗ thì không nguy hiểm. Nhưng khối u đó phá hủy các cấu trúc lân cận, lây lan và tấn công các bộ phận khác của cơ thể, nó sẽ đe dọa tính mạng bệnh nhân.
Video Tế bào ung thư xuất hiện di căn trong cơ thể như thế nào
Sự khác biệt giữa những tế bào bình thường và tế bào ung thư?
Tế bào bình thường phát triển một cách có tổ chức và mỗi ngày, các tế bào mới thay thế tế bào cũ trong một quá trình tái sinh bình thường. Các tế bào ung thư tăng trưởng một cách vô tổ chức và không cần biết tới các cấu trúc lân cận xung quanh nó. Chúng có khả năng ăn vào các khu vực lân cận và thâm nhập hoặc lây lan đến các bộ phận khác của cơ thể.
Tóm lại. tất cả tế bào bình thường của cơ thể con người phát triển một cách trật tự và tuân theo các quy tắc. Các tế bào ung thư thì không theo quy tắc nào. Chúng giải phóng các chất ức chế cho phép tế bào ung thư làm bất cứ điều gì chúng muốn.
Nguyên nhân gây ung thư
Một số bệnh ung thư không rõ nguyên nhân, song một số khác thì có thể xác định được. Chẳng hạn bệnh ung thư phổi, nguyên nhân số 1 ở phần lớn bệnh nhân nam là khói thuốc lá. Khói thuốc chứa chất gây ung thư phá hủy mô phổi và trong quá trình tái sinh sẽ hình thành một số tế bào bất thường. Những tế bào bất thường này có khả năng biến đổi thành tế bào ung thư. Trong các loại ung thư khác như ung thư gan, đến 90% bệnh nhân ung thư gan có liên quan đến viêm gan B hoặc C.
Ưng thư do di truyền hay cách sống của chúng ta?
Phần lớn bệnh nhân ung thư không có tiền sử gia đình bị bệnh này. Vì vậy, không thể nói rằng ung thư là hoàn toàn do gene. Trên thực tế rất nhiều bệnh nhân bị ung thư lại khẳng định rằng mình không thể nào mắc bệnh được vì không có tiền sử gia đình bị ung thư. Quan niệm này hoàn toàn sai lầm.
Mặc dù vậy trong các yếu tố nguy cơ của ung thư vẫn có tính di truyền. Nếu mẹ, em gái hoặc chị của bạn bị ung thư vú thì nguy cơ mắc bệnh của bạn cao hơn bình thường. Tuy nhiên những người không có tiền sử gia đình bị ung thư vú vẫn có thể bị bệnh này.
Có sự khác biệt giữa di truyền bệnh và di truyền gene. Di truyền bệnh có nghĩa là cha mẹ có bệnh và truyền lại cho con. Trên thực tế, nhiều trường hợp con cái có các gene bệnh nhưng cha mẹ của họ không có bệnh. Các nhà nghiên cứu tin rằng các yếu tố bên ngoài như môi trường, thực phẩm, ô nhiễm, tập thể dục, hút thuốc lá... làm cho số lượng người mắc bệnh ung thư ngày càng gia tăng.
Cách chúng ta ăn hay sống có mối quan hệ thế nào với ung thư?
Ở những nước kém phát triển, tỷ lệ mắc bệnh ung thư thấp hơn. Trong khi một số quốc gia trở nên giàu có hơn thì tỷ lệ mắc bệnh ung thư tăng lên. Tại Ấn Độ, tỷ lệ mắc bệnh ung thư vú và ung thư ruột kết rất thấp, trong khi tại châu Mỹ cứ 8 phụ nữ thì có một người đối diện với nguy cơ ung thư vú. Các chuyên gia tin rằng thực trạng này có liên quan đến yếu tố môi trường, chế độ ăn uống, ô nhiễm, stress, béo phì... Vì vậy, cần giải quyết các yếu tố nguy cơ này thì tỷ lệ ung thư mới giảm xuống.
Ung thư được chẩn đoán như thế nào? Phát hiện sớm mang lại lợi ích gì?
Bệnh nhân ung thư được chẩn đoán theo hai cách. Nhóm thứ nhất, những người có và không có biểu hiện triệu chứng, chỉ bị ho dai dẳng hoặc thấy máu trong phân. Họ tìm đến bác sĩ để làm một số xét nghiệm và phát hiện ung thư. Nhóm thứ hai, những người không có triệu chứng, cảm thấy hoàn toàn khỏe mạnh, bỗng dưng phát hiện mắc ung thư trong đợt kiểm tra sức khỏe hằng năm.
Thông thường ở nhóm thứ hai những người vô tình phát hiện bệnh ung thư có thể vẫn còn ở giai đoạn đầu. Tuy nhiên, dù cho là loại ung thư gì, nếu bệnh nhân được chẩn đoán càng sớm, cơ hội chữa trị sẽ tốt hơn.
Thông thường, ung thư giai đoạn đầu không có triệu chứng, không gây đau nên bệnh nhân không biết đến sự tồn tại của các tế bào ác tính. Trong khi một số bệnh nhân vì sợ nên không dám thừa nhận và không đi khám. Một số khác lại nghĩ rằng ung thư không chữa được nên không tìm đến bác sĩ. Theo thống kê, cứ 10 bệnh nhân ung thư mới phát hiện thì có 7 ca bị ở đoạn muộn, tức là giai đoạn 3 hoặc 4.
Bác sĩ Ang Peng Tiam từng gặp rất nhiều người có quan niệm sai lầm rằng ung thư phải gây đau đớn, vì vậy, họ khẳng định "Nếu tôi không bị đau, thì tôi không bị ung thư". Trong khi đó, các dấu hiệu của ung thư như ho hoặc máu trong phân là triệu chứng rất phổ biến, do vậy rất nhiều người bỏ qua các triệu chứng này. Qua đây, bác sĩ khuyên mọi người nếu bị một triệu chứng bất thường nào đó, uống thuốc vẫn không thuyên giảm thì nên đi khám bác sĩ.
>> Xem tiếp