Hơn 15 năm rời quê đến thành phố lập nghiệp, vợ chồng chị Vương Thị Mai, thuê trọ trên đường Bờ Sông, phường Tân Tạo A (quận Bình Tân) vẫn thuộc diện "tạm trú tạm vắng". Chị Mai, 35 tuổi, quê Nghệ An, thâm niên 10 năm làm việc tại Công ty TNHH Pouyuen Việt Nam với lương cơ bản gần 8 triệu đồng. Chồng chị là lao động tự do, tháng nào việc đều, thu nhập nhỉnh hơn vợ chút đỉnh.
"Tiền vào nhà trọ như gió vào nhà trống, người ở trọ phải trả chi phí cao hơn người có nhà", chị Mai nói. Ngoài tiền nhà, điện, nước, gửi xe, ăn uống hàng tháng, nhiều năm qua do không có hộ khẩu thành phố, bảo hiểm y tế cho hai con dưới 6 tuổi, chị phải đăng ký ở quê chồng tận An Giang. Suốt những năm đầu đời của bé, khi khám ngoại trú ở bệnh viện thành phố, chị gần như không sử dụng bảo hiểm y tế vì không có giấy chuyển viện. Một lần con gái út bệnh nặng phải nhập viện mổ cũng chỉ được thanh toán một phần do vượt tuyến.
Ở tuổi mầm non, các trường công lập xung quanh đều quá tải, chị Mai chấp nhận gửi con ở các điểm giữ trẻ tư nhân với chi phí cao gần gấp đôi. Khi con vào lớp 1, chồng chị phải nghỉ làm mấy hôm về quê công chứng hộ khẩu, trích lục giấy khai sinh hoàn thiện hồ sơ nhập học. Trong khi chồng có ý đưa cả nhà về quê cho đỡ áp lực, chị muốn trụ lại thành phố để các con có tương lai nên gia đình thường xảy ra xung đột. "Nếu mình có nhà riêng, mọi chuyện sẽ được giải quyết", chị Mai bộc bạch.
Không được ở gần con như chị Mai, mỗi ngày nữ công nhân Nguyễn Thị Thảo, trọ ở ấp Đông 1, xã Thới Tam Thôn (huyện Hóc Môn) chỉ có thể hỏi han chuyện học hành của con trai 12 tuổi qua các cuộc gọi video. 6 năm trước, khi con trai chuẩn bị vào lớp 1, chị đành nuốt nước mắt gửi con về Bến Tre. Các trường công lập quanh khu vực đều quá tải, với lương cơ bản mỗi tháng 5 triệu đồng, người mẹ đơn thân không kham nổi học phí ở trường tư.
"Học sinh đông quá, các trường phải ưu tiên hộ khẩu, KT3, con mình ngoại tỉnh, chỉ có mỗi tạm trú tạm vắng nên rất khó", chị Thảo nói. Tháng nào tăng ca nhiều chị gửi về quê 2 triệu đồng phụ ông bà chăm con. Năm ngoái, Covid-19 ập đến, công ty không có việc, sáng được thông báo nghỉ dịch, trưa chị dọn đồ chạy xe máy suốt 3 giờ liền về với con. Đó là những ngày hạnh phúc nhất của chị bởi lần đầu tiên đi họp phụ huynh, đưa con đi học. Con trai hào hứng khoe mẹ với bạn bè. "Mỗi lần gặp con tôi lại muốn nghỉ việc để về quê", chị Thảo chia sẻ.
Gia đình chị Thảo, chị Mai là 2 trong gần một triệu hộ công nhân ngoại tỉnh đến thành phố làm việc sống trong các khu nhà trọ và phải trả nhiều "chi phí kép" do không có hộ khẩu. Theo nghiên cứu của Tổ chức Oxfam Việt Nam, người lao động di cư phải trả cho những dịch vụ xã hội cơ bản như y tế, giáo dục, nhà ở, điện nước sinh hoạt cao hơn hẳn so với dân địa phương.
Trong khảo sát về nhà ở do Liên đoàn lao động TP HCM thực hiện cuối năm ngoái, tiền điện trung bình mỗi công nhân thuê trọ phải trả là hơn 3.000 đồng/kWh, cao hơn giá bán điện sinh hoạt bậc 1 gần 1.200 đồng/kWh. Đối với mỗi m3 nước sinh hoạt, người thuê nhà phải trả gần 15.000 đồng, gấp đôi giá bán nước sinh hoạt bậc 1 của thành phố.
Khảo sát của công đoàn TP HCM ở các quận, huyện đông công nhân với phần lớn là người tạm trú, tình trạng di cư cơ học đã gây quá tải đến hệ thống giáo dục của địa phương. Đối với hệ thống trường mầm non, mẫu giáo, với sự hỗ trợ từ hệ thống trường tư thục có thể đáp ứng được nhu cầu của công nhân. Nhưng khi lên tiểu học, trung học cơ sở các trường quá tải nên sẽ ưu tiên người dân có hộ khẩu thường trú sau đó mới đến trường hợp tạm trú.
Quận Bình Tân có gần 350.000 công nhân, chưa kể 170.000 người đăng ký lưu trú. Ông Nguyễn Minh Nhựt, Chủ tịch UBND quận cho hay, chính sách hiện hành không có sự phân biệt về thụ hưởng giáo dục giữa người có hộ khẩu hay tạm trú. Tuy nhiên mỗi năm địa phương tăng thêm 8.000 trẻ, trong đó phần lớn tăng dân số cơ học đã gây những áp lực lên hệ thống giáo dục. Sĩ số lớp khá cao, tỷ lệ học sinh học hai buổi còn thấp.
Hiện nhu cầu nhà ở của công nhân ở quận Bình Tân rất lớn nhưng các dự án nhà ở xã hội, nhà cho người thu nhập thấp không nhiều. Người lao động chủ yếu ở các phòng trọ chật hẹp do người dân đầu tư. Nếu tính số người có mặt thực tế trên địa bàn khoảng 900.000 người, mật độ dân số của quận là 18.000 người mỗi km2. Theo ông Nhựt, đây một trong những nguyên nhân khiến Covid-19 dễ lây lan, gây nhiều áp lực cho y tế, chính sách an sinh cho người dân thời gian qua.
Tương tự, tại Bình Chánh, chỉ riêng xã Vĩnh Lộc A đã hơn 130.000 người, gần bằng dân số một quận nội thành, chiếm phần lớn là công nhân, lao động nhập cư làm việc tại các nhà máy, khu công nghiệp. Ông Đào Gia Vượng, Chủ tịch UBND huyện Bình Chánh cho rằng với những địa bàn dân số cơ học tăng nhanh, công việc của cán bộ địa phương gấp đôi, ba chỗ khác. Huyện có hơn 130.000 công nhân, sống trong các nhà trọ, ở ghép 2-3 người không chỉ tạo áp lực về y tế, giáo dục, khi Covid-19 bùng phát gây nhiều khó khăn trong kiểm soát dịch.
TS Trần Hoàng Ngân, Viện trưởng Viện Nghiên cứu phát triển TP HCM cho biết, mật độ dân số ở thành phố cao gấp 15 lần bình quân cả nước, khoảng 4.500 người/km2. "Đây là một trong nguyên nhân khiến dịch ở TP HCM lây lan nhanh, khó kiểm soát", ông Ngân nói và cho rằng muốn giãn cách phải đảm bảo khoảng cách nhưng các phòng trọ của công nhân sát vách nhau, lối đi chưa được nửa mét, dùng chung bếp, nhà vệ sinh, giặt phơi chung. Do đó, thành phố dù giãn cách nghiêm bên ngoài nhưng bên trong các khu nhà trọ dịch vẫn dễ lây lan.
Theo ông Ngân, đợt bùng phát dịch vừa qua nhiều người lao động rời thành phố về quê với lý do bất an về chỗ ở. Do đó, muốn giữ chân họ bắt buộc phải tính đến phương án tạo chỗ ở đảm bảo an toàn. Mới đây, Chủ tịch UBND thành phố Phan Văn Mãi cho biết, TP HCM đón một lượng lớn người lao động đến đây góp phần xây dựng, phát triển thành phố, nhưng việc tổ chức chăm lo chưa có sự đầu tư đúng mức. Do đó, thành phố đang có kế hoạch xây một triệu căn nhà giá rẻ để công nhân, lao động, người thu nhập thấp có thể tiếp cận.
Lê Tuyết