Thoạt nhìn, thành phố than Đại Đồng, tỉnh Sơn Tây, phía bắc Trung Quốc có những dấu hiệu đầy hy vọng về những thay đổi mà Chủ tịch Tập Cận Bình vạch ra khi ông cam kết với người dân Trung Quốc về một "giấc mơ Trung Hoa" tại Đại hội đảng Cộng sản Trung Quốc thứ 19 ở Bắc Kinh, theo New York Times.
Những dãy pin năng lượng mặt trời sáng loáng xuất hiện nhiều như nấm trên vùng đất nông nghiệp bị tàn phá bởi hoạt động khai thác than. Khoảng 74.000 dân làng được di dời và tái định cư ở những căn hộ mới xây. Cuộc vận động làm sạch môi trường do chính phủ Trung Quốc khởi xướng đã dẫn đến việc bắt giữ nhiều quan chức ở thành phố Đại Đồng, những người lợi dụng cơ hội để tham nhũng.
Trong báo cáo chính trị mà ông Tập đọc tuần trước, ông đã nêu ra giấc mơ về một Trung Quốc sạch hơn, thịnh vượng hơn và công bằng hơn trong việc chia sẻ lợi ích.
Nhà bình luận Chris Buckley cho rằng tầm nhìn về một tương lai tươi sáng hơn này có mục tiêu là xử lý các vấn đề xã hội nảy sinh trong ba thập kỷ tăng trưởng nhanh chóng của Trung Quốc: không khí và các nguồn nước bị ô nhiễm nặng, nạn tham nhũng và khoảng cách giàu nghèo ngày càng gia tăng.
Để thành công, giấc mơ Trung Hoa của ông Tập phải bắt đầu bám rễ ở các vùng tụt hậu ở vành đai công nghiệp và nông thôn như Đại Đồng.
Tuy nhiên, qua câu chuyện của những người dân địa phương ở Đại Đồng, từng là thủ phủ ngành công nghiệp than của Trung Quốc, khoảng cách giữa giấc mơ tuyệt vời đó và hiện thực nghèo khó của họ còn tồn tại khoảng cách rất lớn.
Chính sách và thực tế
Trong khi nền kinh tế tổng thể của Trung Quốc đạt tốc độ tăng trưởng ấn tượng, công nhân và nông dân ở Đại Đồng chia sẻ rằng đời sống của họ không được cải thiện nhanh như thế. Dù ông Tập cam kết về một chính quyền trong sạch hơn và lắng nghe người dân hơn, những người dân này vẫn phàn nàn rằng quan chức địa phương bỏ bê, không quan tâm đến đời sống của họ.
Quan trọng hơn, họ nói rằng "giấc mơ Trung Hoa" của ông Tập vẫn chưa mang lại cho họ những gì cần thiết nhất: công việc tốt hơn, điều kiện y tế được cải thiện và nhà ở giá rẻ.
Trong các cuộc trò chuyện với New York Times, người dân ở đây thường dùng một câu nói lặp đi lặp lại: "Chủ tịch Tập Cận Bình rất tốt nhưng...".
Hu Wenxiang, người dân làng Vinh Hoa Tạo, vùng nông thôn của Đại Đồng, nói: "Ông Tập Cận Bình là một Chủ tịch tốt nhưng các chính sách của ông ấy không được thực hiện ở đây".
Phần lớn ngôi làng của bà đã bị san ủi trong chương trình di dời người dân ra khỏi khu vực gần các mỏ than đang sụt lún. Tuy nhiên, bà Wenxiang không chịu di dời. Bà nói rằng nếu dọn đến sống ở khu căn hộ mới ở khu vực đô thị của Đại Đồng, bà sẽ mất nguồn thu nhập có được nhờ giúp con trai nuôi dê.
Người được hưởng lợi nhiều nhất từ chương trình tái định cư bắt buộc này dường như là những quan chức ra lệnh thực thi và các công ty xây dựng những căn hộ mới, bà Wenxiang nói.
"Các chính sách của chính phủ nghe thì tốt đấy nhưng chúng tôi không thấy lợi ích nào cả. Tại sao chính phủ lại chi nhiều tiền cho chỗ này, chỗ kia nhưng không chi cho chúng tôi?", bà than phiền.
Hàng trăm Đại Đồng khắp cả nước
Có hàng trăm hay có thể là hàng nghìn thị trấn và thành phố công nghiệp giống như Đại Đồng trên khắp Trung Quốc, nơi mức sống vẫn kém xa so với lời cam kết về một xã hội khá giả của ông Tập.
Ông Tập bắt đầu vạch ra "giấc mơ Trung Hoa" khi ông lên cầm quyền cách đây 5 năm, dù các nỗ lực ban đầu của ông tập trung vào chống tham nhũng. Ở Sơn Tây, các điều tra viên đã bắt nhiều quan chức tham nhũng đến nỗi chính quyền trung ương tuyên bố rằng khu vực này đang trong tình trạng "bùng nổ tham nhũng".
Năm 2013, ông Tập đưa ra một danh sách 60 cam kết cải cách mà ông cho rằng sẽ giúp Trung Quốc xanh hơn, an toàn hơn, công bằng hơn và thịnh vượng hơn. Chính phủ của ông được công nhận đã mang lại một số tiến bộ, chẳng hạn như siết chặt các biện pháp kiểm soát ô nhiễm, đóng cửa các mỏ than và nhà máy đang tạo ra tình trạng dư thừa sản lượng. Trước thềm Đại hội 19, các thành tựu đó được ca ngợi trên truyền hình, qua các bài phát biểu, xã luận và các cuộc triển lãm.
Tuy nhiên, các chuyên gia cho rằng ông Tập đang đối mặt với thách thức cam go. Đóng cửa các nhà máy cũ kỹ và hầm mỏ có thể giúp củng cố hiệu quả kinh tế, nhưng nhiều người sẽ bị mất việc, làm tăng rủi ro bất ổn xã hội. Tốc độ tăng trưởng kinh tế chậm hơn cũng có thể khiến chính phủ khó khăn hơn trong việc tăng chi tiêu cho y tế và giáo dục.
"Trách nhiệm thực thi các cam kết của chính quyền trung ương thường được đẩy xuống cho các chính quyền địa phương", Bruce J. Dickson, giáo sư ở Đại học George Washington, nói. "Đến một lúc nào đó, bạn không thể chỉ truy bức các quan chức tham nhũng. Bạn phải làm điều gì đó khác và câu hỏi đặt ra là đó là điều gì?", giáo sư Dickson nói.
Trong bài phát biểu khai mạc Đại hội 19 hôm 18/10, ông Tập cảnh báo đảng Cộng sản Trung Quốc phải cải thiện tính hiệu quả trong việc giải quyết các bức xúc xã hội.
Tuy nhiên, ở Đại Đồng, người dân địa phương nói rằng các giải pháp của chính quyền thường làm nảy sinh những vấn đề mới. Họ cho rằng các chỉ thị từ chính quyền trung ương được thực thi một cách quá cứng nhắc, có thể gây tổn thương cho người dân. Ngay cả khi cuộc chiến chống tham nhũng đang diễn ra, các quan chức địa phương vẫn hưởng lợi nhiều nhất từ các thay đổi, chứ không phải người dân.
"Tôi không còn nhà nữa", một phụ nữ ở ngôi làng Tiểu Diêu Đầu nằm sát một khu mỏ than bỏ hoang ở Đại Đồng, nói. Bà kiếm được rất ít tiền nhờ nhặt và bán gạch từ các ngôi nhà bị giải tỏa. Nhà của bà cũng bị giải tỏa vào hồi tháng 4.
"Làng tôi vẫn còn một số nhà. Đó là các ngôi nhà để quan chức ở. Chúng tôi không được phép ở trong các ngôi nhà đó", bà nói.
Chỉ tăng trưởng 1%
Nổi tiếng với những các bức tượng Phật cổ tạc trên các vách đá, Đại Đồng đã trở thành thủ phủ than của Trung Quốc khi nhu cầu về năng lượng gia tăng vào thập niên 1980. Một thập kỷ sau đó, khi hoạt động sản xuất lên đỉnh điểm, Đại Đồng cung cấp 7,5% tổng sản lượng than của Trung Quốc. Kết quả là cơn bùng nổ khai thác than kéo dài đã tạo ra một tầng lớp chủ lò than và quan chức giàu có ở vùng này.
Tuy nhiên, nhu cầu tiêu thụ than sụt giảm cách đây ba năm, khiến nhiều mỏ than ngưng hoạt động và các thợ mỏ không có việc làm. Khi sản lượng than giảm, Đại Đồng rơi vào thời kỳ khó khăn. Thành phố này cũng phải chật vật đối phó với hậu quả môi trường để lại như tình trạng khói mù, đất đai bị nhiễm độc và toàn bộ dải đất nông nghiệp bị sụt lún khi các hầm mỏ bên dưới sụp đổ.
Tong Yanlin, một thợ mỏ làm việc ở một trong những mỏ than còn hoạt động ở Đại Đồng cho biết lương thợ mỏ tụt giảm rất mạnh. Giờ đây, ông chỉ làm ba đến bốn tiếng đồng hồ mỗi ngày và nhận được hơn 700 USD mỗi tháng, chỉ bằng phân nửa mức lương mà ông từng kiếm được trong những năm bùng nổ khai thác than ở Trung Quốc.
Chính quyền Đại Đồng đã cố gắng tạo ra các việc làm mới bằng cách khuyến khích phát triển các trang trại điện gió và điện mặt trời trên bề mặt các mỏ than đã bị khai thác cạn kiệt. Tuy vậy, kinh tế Đại Đồng chỉ tăng trưởng 1% vào năm ngoái, thấp hơn nhiều so với tốc độ tăng trưởng kinh tế cả nước 6,7%.
Các khoản đầu tư mới và cơn sốt tái xây dựng đô thị cũng tạo ra gánh nặng mới, khiến chính quyền địa phương ngập sâu trong nợ nần.
"Đối với Sơn Tây, sự chuyển đổi này là một cuộc cách mạng sâu sắc", ông Lâu Dương Sinh, bí thư tỉnh ủy Sơn Tây, phát biểu tại Đại hội đảng ở Bắc Kinh hôm 19/10.
Người dân địa phương tự hỏi Đại Đồng phải tập trung vào điều gì để thay thế than nhằm tăng trưởng kinh tế. Còn đối với thợ mỏ Tong Yanlin, xử lý triệt để vấn đề tham nhũng có thể là cách để thành phố tốt hơn.
Hồng Vân