Nằm mơ là giai đoạn bình thường trong giấc ngủ, quan trọng đối với chức năng hoạt động của não. Tuy nhiên, một số loại giấc mơ có thể báo hiệu các vấn đề sức khỏe tiềm ẩn.
Hầu hết, con người sẽ dành khoảng 6 năm trong đời để mơ, song trung bình 95% giấc mơ bị lãng quên ngay sau khi thức dậy. Một giả thuyết cho rằng điều này là do thùy trán của não - nơi xử lý và lưu trữ ký ức - không hoạt động trong khi ngủ mơ.
Trong giấc mơ, cơ thể bị tê liệt tạm thời. Các cơ duy nhất hoạt động là nhóm cơ hỗ trợ thở, cơ kiểm soát mắt.
Tại sao con người nằm mơ?
Từ góc độ thần kinh, chuyên gia đặt ra nhiều giả thuyết về vai trò của giấc mơ đối với quá trình ngủ.
"Giấc mơ có liên quan đến việc học hỏi và sửa chữa của bản thân, đồng thời củng cố kinh nghiệm, kỹ năng và nhắc lại các cuộc gặp gỡ trong những ngày trước đó", tiến sĩ Pixie McKenna, người phát ngôn của tổ chức Dreams, giải thích.
Đây là quá trình tinh chỉnh các ký ức lắng đọng, theo tiến sĩ Guy Leschziner, chuyên gia tư vấn thần kinh học tại Trung tâm Giấc ngủ, Bệnh viện London Bridge.
Phạm vi của các giấc mơ bình thường khá rộng, được kích hoạt bởi các thành phần tâm lý và thể chất. Giấc mơ thậm chí bị ảnh hưởng bởi các yếu tố xã hội và văn hóa. Một nghiên cứu cho thấy trước khi có TV màu, chỉ 15% người khảo sát mơ thấy màu sắc. Người lớn tuổi có xu hướng mơ thấy màu đen trắng nhiều hơn thế hệ trẻ.
Nguyên nhân ác mộng và các hành vi bất thường trong mơ
Những thay đổi nhất định trong giấc mơ và thói quen ngủ có thể là dấu hiệu về vấn đề sức khỏe tiềm ẩn.
Yếu tố đầu tiên ảnh hưởng đến giấc mơ là lối sống. Những người bị lệch múi giờ hoặc làm việc quá sức sẽ nằm mơ lúc còn chưa ngủ sâu hoặc cả khi đang thức. Đây là biểu hiện của tình trạng đang thiếu ngủ.
"Giấc mơ cũng là dấu hiệu mang thai hoặc mức đường huyết thấp. Các cơn ác mộng biểu hiện tâm lý căng thẳng, lo lắng và trải nghiệm tiêu cực", tiến sĩ McKenna cho biết.
Uống rượu, ăn quá no hoặc bị kiệt sức (về tinh thần và thể chất) trước khi ngủ cũng có thể là nguyên nhân khiến giấc ngủ bị gián đoạn và rối loạn giấc mơ.
Một số loại thuốc thông thường như thuốc chống sốt rét, thuốc chẹn beta dành cho người bị bệnh huyết áp, cũng gây ra tình trạng này, theo tiến sĩ Leschziner. Thuốc chống trầm cảm tạo ra những giấc mơ sống động, nhưng một số loại bỏ hoàn toàn chu kỳ mơ, hạn chế giai đoạn ngủ REM (trạng thái xuất hiện sau khi ngủ sâu 70-90 phút) và giảm thời gian dành cho giấc mơ.
Việc nhớ lại những giấc mơ sống động mỗi đêm báo hiệu các yếu tố làm gián đoạn giấc ngủ, chẳng hạn chứng ngưng thở khi ngủ (tình trạng này tồi tệ hơn khi ngủ mơ), chứng ngủ rũ hoặc rối loạn hành vi giấc ngủ.
"Vùng não kiểm soát giấc ngủ REM thường bị tổn thương khi một người mắc các bệnh về thần kinh như Parkinson. Do đó, người bệnh thường mơ các giấc mơ có tính bạo lực như đánh nhau hoặc bị tấn công, hành hạ thể xác, la hét hoặc chửi thề", Leschziner cho biết.
Một nghiên cứu chỉ ra rằng mơ ác mộng nhiều lần có liên quan tới bệnh tim mạch và thời kỳ mãn kinh. "Chắc chắn các bệnh nhân động kinh, tim mạch, đau nửa đầu hoặc Parkinson có thể mơ cùng một giấc mơ thường xuyên", McKenna nói.
Một số chuyên gia cho rằng mơ là hình thức trị liệu ban đêm. Trong đó, cơ thể con người lắng đọng ký ức liên quan đến các cảm xúc mạnh mẽ trong ngày thông qua giai đoạn ngủ REM, nhưng giảm bớt một số nội dung cảm xúc có liên quan.
"Ở những người bị rối loạn cảm xúc sau sang chấn (PTSD), lý do khiến họ mơ đi mơ lại một cơn ác mộng là vì họ chưa bao giờ thực sự hoàn thành giấc mơ này. Họ liên tục giật mình tỉnh dậy giữa chừng vì các chấn thương trước khi não bộ kịp xử lý đầy đủ nội dung cảm xúc", Leschziner nói.
Thục Linh (Theo Patient)