Từ lâu, giới công nghệ vẽ ra viễn cảnh: Người dùng bước vào căn phòng và điện thoại của họ tự động tiếp nhận năng lượng từ một thiết bị phát trong phòng. Thiết bị đó có thể gắn trên đèn trần, hoặc đặt dưới bàn làm việc giống như một bộ định tuyến Wi-Fi. Điện thoại được sạc qua không trung mà không cần cắm dây, thậm chí không cần đặt trên một đế sạc hay phải chạm vào bất cứ đâu.
Trong khoảng 5 năm qua, một số công ty tuyên bố đang hoàn thiện công nghệ và khẳng định sạc điện thoại từ xa hoàn toàn khả thi. Tuy nhiên, thực tế chưa có bộ sạc nào trên thị trường có thể cấp nguồn từ xa cho điện thoại thông minh và cũng chưa ai có thể dám chắc khi nào điều này sẽ thành hiện thực.
"Không có gì phải bàn cãi, sạc từ xa là giấc mơ của chúng ta. Đó sẽ là một trải nghiệm đáng kinh ngạc", Jake Slatnick, Giám đốc Aira, công ty chuyên về công nghệ sạc không dây, nói. "Vấn đề là có quá nhiều rào cản trong quá trình triển khai".
Có ít nhất bốn công ty đang nỗ lực biến điều không thể thành có thể. Tháng 2, Oppo giới thiệu "sạc qua không khí không cần cáp hay đế sạc". Trong video trình diễn, smartphone của hãng với màn hình co giãn vẫn tiếp tục sạc pin dù đã được nhấc ra khỏi đế.
Hồi tháng 1, Xiaomi công bố Mi Air Charge với khả năng truyền năng lượng không chạm và không dây tới các thiết bị trong phòng. Cũng trong tháng này, Motorola trình diễn trạm sạc pin từ xa One Hyper. Tương tự, hãng Aeterlink tại Tokyo giới thiệu Airplug với lời khẳng định là có thể sạc cho các thiết bị trong phạm vi tới 20 mét.
Những giải pháp trên đều thu hút sự chú ý của giới truyền thông. Tuy nhiên, cả bốn đều chưa có kế hoạch đưa sản phẩm ra thị trường.
Các công ty muốn triển khai trạm sạc không dây như vậy phải đối mặt với một số thách thức, nhất là về vật lý. Càng xa nguồn điện trực tiếp, hiệu suất sạc càng thấp. Vì vậy, ngay cả khi smartphone nhận được năng lượng từ khoảng cách xa, lượng điện đó chưa chắc đã đủ nạp pin cho điện thoại.
Ngoài ra, năng lượng truyền qua không khí trong nhà của bạn có thể ảnh hưởng đến các thiết bị khác nhau, hoặc dẫn đến vấn đề về sức khỏe.
Tại CES 2020, công ty Wi-Charge của Israel trình diễn ý tưởng bộ phát năng lượng tầm xa, được cắm vào nguồn điện truyền thống trong nhà, như ổ cắm bóng đèn, và chuyển đổi điện năng thành chùm tia laser hồng ngoại. Một bộ phận tiếp nhận được gắn trong điện thoại sẽ chuyển đổi ánh sáng đó thành năng lượng với công suất 2 watt, đủ để duy trì hoạt động trong giới hạn an toàn.
Wi-Charge giành giải thưởng về đổi mới cho khả năng sạc từ xa, nhưng Ori Mor, nhà đồng sáng lập công ty, thừa nhận để đưa công nghệ này lên điện thoại sẽ cần ít nhất vài năm. Các nhà sản xuất smartphone cũng cần thời gian xem xét triển vọng công nghệ, thử nghiệm tính ổn định, cũng như đánh giá xem nhu cầu sạc từ xa qua không khí lớn đến mức nào, hay người dùng vẫn hài lòng với việc sạc không dây qua chuẩn Qi hiện nay.
Wi-Charge đang sử dụng công nghệ này để cung cấp năng lượng cho camera an ninh và kệ thông minh trong một số cửa hàng bán lẻ ở Mỹ. Cuối năm nay, giải pháp sẽ được ứng dụng để cung cấp năng lượng cho khóa thông minh ở Dallas.
Ngoài Wi-Charge, công ty Energous tại San Jose, California cũng tin sạc dựa trên tần số vô tuyến sẽ có triển vọng trong tương lai. Họ đang phát triển nền tảng WattUp hỗ trợ sạc ở khoảng cách xa, nhưng cũng cho rằng cần vài năm để đưa được chip tương thích vào trong smartphone.
"Công nghệ này sẽ diễn ra theo từng giai đoạn. Đầu tiên là sạc có tiếp xúc. Tiếp theo là truyền qua không khí ở khoảng cách ngắn. Giai đoạn ba là ở khoảng cách xa hơn, tầm 3-5 mét", Steve Rizzone, Giám đốc điều hành Energous, cho biết.
Giới công nghệ nhận định, smartphone cần thu nhỏ pin để có thêm không gian chứa chip thu nhận năng lượng từ xa. Tuy nhiên, nếu công nghệ khả thi, ai còn cần quan tâm đến viên pin cồng kềnh nữa khi điện thoại có thể được sạc bất cứ khi nào.
"Giấc mơ ở đây là về sự tự do, tiện lợi và khả năng tàng hình", Simon McElrea, CEO Aira và là cựu CEO công ty sạc không dây Sonic Energy, nói".
Châu An (theo Washington Post)