"Giấc mơ Mỹ" điển hình của người Mỹ là sở hữu một căn nhà, xây dựng gia đình và có cuộc sống tương đối an nhàn khi về hưu. Nhưng hiện tại, rất ít người tin rằng họ có thể đạt được điều đó một cách dễ dàng.
Cuộc thăm dò do Wall Street Journal/NORC thực hiện hồi tháng 7 với 1.502 người trưởng thành ở Mỹ cho thấy khoảng cách rõ rệt giữa ước mơ và suy nghĩ thực tế của người dân. Xu hướng này nhất quán giữa các giới tính và đảng phái, nhưng đúng hơn với thế hệ trẻ, những người mà mục tiêu sở hữu nhà đang trở nên ngoài tầm với, phải đối mặt chi phí sinh hoạt tăng cao và áp lực từ khoản nợ sinh viên.
89% số người được hỏi cho biết việc có một ngôi nhà là thiết yếu hoặc quan trọng đối với tầm nhìn tương lai của họ, song chỉ 10% nói rằng mua nhà là dễ dàng.
95-96% số người được hỏi nói tài chính ổn định hay cuộc sống về hưu thoải mái là điều thiết yếu hoặc quan trọng, nhưng chỉ 8-9% cho rằng họ có thể dễ dàng đạt được những mục tiêu này.
12 năm trước, khi các chuyên gia tại Viện Nghiên cứu Tôn giáo Công cộng hỏi 2.501 người rằng liệu giấc mơ Mỹ "có còn thực tế không", hơn 1/2 trả lời "có". Khi báo Wall Street Journal đưa ra câu hỏi tương tự vào tháng 7, tỷ lệ giảm xuống còn khoảng 1/3.
"Những khía cạnh quan trọng của giấc mơ Mỹ dường như nằm ngoài tầm với theo cách chưa từng có ở các thế hệ trước", Emerson Sprick, nhà kinh tế từ Trung tâm Chính sách Lưỡng đảng, trụ sở tại Washington, nói.
Sprick chỉ ra đà suy giảm lương hưu liên tục trong khu vực tư nhân và tình trạng chi phí sở hữu nhà tăng là hai trong số những thay đổi kinh tế lớn nhất thập kỷ qua.
Marquell Washington, 22 tuổi, vẫn nhớ các giáo viên tiểu học trước kia luôn khuyên anh rằng điểm học tập cao và tấm bằng đại học sẽ là chiếc vé giúp anh thoát khỏi khu phố bất ổn ở Chicago, nơi "ngày nào cũng nghe tiếng súng".
"Em sẽ có một công việc tốt và một ngôi nhà có cổng trước" là lời hứa hẹn anh thường được nghe.
Washington là người đầu tiên trong gia đình học đại học, nhưng đã bỏ ngang vào năm thứ ba, sau khi ba người bạn thân của anh bị sát hại chỉ trong vài tháng.
Anh hiện kiếm được khoảng 30.000 USD một năm khi làm việc bán thời gian cho tổ chức phi lợi nhuận phát triển thanh thiếu niên My Block, My Hood, My City. Washington cho biết anh không đủ khả năng chuyển ra khỏi căn hộ của mẹ, nơi anh lớn lên, chứ chưa nói đến việc trả khoản nợ 10.000 USD để chuyển bảng điểm từ đại học cũ tới một ngôi trường gần nhà hơn. Chàng trai trẻ nói anh không từ bỏ giấc mơ Mỹ, nhưng thấy nó không dễ dàng như anh nghĩ.
"Họ không nói cho bạn biết để đạt được giấc mơ Mỹ khó khăn như thế nào", Washington cho hay. "Bạn phải tự học điều đó".
Theo giới chuyên gia, đà chuyển dịch kinh tế đã suy giảm trong những thập kỷ gần đây. Khái niệm trên dùng để chỉ khả năng cải thiện tình trạng kinh tế của một cá nhân, gia đình hay một số nhóm người, thường được đo bằng thu nhập.
Nghiên cứu của giáo sư kinh tế Nathaniel Hendren thuộc Viện Công nghệ Massachusetts và nhà kinh tế Raj Chetty thuộc Đại học Harvard chỉ ra rằng 90% người sinh vào những năm 1940 có cuộc sống khá giả hơn cha mẹ họ, nhưng chỉ một nửa số người sinh vào những năm 1980 đạt được điều này.
Hendren cho biết nhóm trẻ hơn dường như cũng ở trong tình trạng tương tự, dựa trên mức tăng trưởng thu nhập trung bình.
"Việc bạn có kiếm được nhiều tiền hơn cha mẹ mình hay không vẫn còn là một ẩn số, nhưng khả năng chuyển dịch kinh tế có thể đã giảm xuống mức thấp kỷ lục vào đầu những năm 2020", ông nói.
Chetty nhìn vào giấc mơ Mỹ thông qua đánh giá việc một người xuất thân từ gia đình nghèo sẽ gặp khó khăn như thế nào để leo lên tầng lớp trung lưu. Đối với người Mỹ da trắng nói riêng, mục tiêu đó đã trở nên thách thức hơn đáng kể trong 15 năm qua, ông cho biết.
"Mọi người có lý khi cảm thấy giấc mơ Mỹ ngày càng khó đạt được hơn, xét cả về cơ hội thành công hơn cha mẹ mình và cơ hội thoát khỏi đói nghèo", ông nhấn mạnh.
Richard Thomas và Cherish Celetti tin chắc rằng họ đã thực hiện được giấc mơ Mỹ của riêng mình khi mua căn hộ 5 phòng ngủ ở Mount Vernon, New York, với giá 612.000 USD vào năm 2017.
"Có vẻ như mọi thứ đã đi đúng hướng", Celetti, luật sư 42 tuổi lớn lên trong gia đình nghèo khó với 9 anh chị em, nói.
Việc mua ngôi nhà đầu tiên giúp các con của Thomas và Celetti có phòng ngủ riêng, điều hai người từng ao ước khi còn nhỏ. Họ thậm chí vẫn còn phòng để đón mẹ của Celetti và em gái cô tới sống cùng.
Mỗi tháng họ phải trả góp cho ngân hàng 5.400 USD, trong đó có 689 USD bảo hiểm tài sản thế chấp tư nhân. Khoản tiền này khá lớn, nhưng họ vẫn trang trải được dựa vào mức lương của Celetti và lương của chồng cô lúc bấy giờ là thị trưởng thị trấn.
Nhưng rồi sau đó, hóa đơn điện của họ đã tăng gấp đôi, lên hơn 2.000 USD, và giá thực phẩm, bảo hiểm cùng các hóa đơn khác cho gia đình 6 người cũng tăng vọt.
Thomas phải từ chức thị trưởng và bị yêu cầu nộp phạt sau khi nhận tội đánh cắp 12.900 USD từ chiến dịch tranh cử của chính ông vào tháng 7/2017. Ông nói rằng chỉ chấp nhận thỏa thuận nhận tội vì không đủ khả năng tài chính để đấu tranh chống lại cáo buộc. Hiện Thomas làm việc trong lĩnh vực quan hệ công chúng.
Cả Thomas và Celetti đều hạ mức đóng góp cho quỹ hưu trí xuống gần bằng 0, hủy các kế hoạch nghỉ mát và điều chỉnh lại cách sử dụng điều hòa. Họ biết rằng bán ngôi nhà sẽ là lựa chọn tốt nhất do giá nhà đã tăng gấp đôi. Nhưng họ không biết sẽ đi đâu nếu rời bỏ nó.
"Chúng tôi muốn nuôi dạy con cái tại đây, nhưng giấc mơ đó đang dần xa tầm với", Thomas nói. "Chúng tôi đã có được giấc mơ Mỹ. Bây giờ nó là ác mộng Mỹ vì cảm giác như đất nước đã hứa hẹn với chúng tôi rồi lại lấy đi mất".
Nhiều người Mỹ đang phải vật lộn để đạt được mục tiêu sở hữu nhà. Theo nghiên cứu của công ty dịch vụ bất động sản thương mại CBRE, tính đến cuối tháng 6, sở hữu một ngôi nhà đắt hơn 47% so với thuê nhà trong 12 tháng. Con số này thậm chí còn cao hơn nữa sau khi giá thuê tăng vọt, mặc dù công ty dự báo tình hình có thể cải thiện trong năm tới.
Lily Roark, 28 tuổi, giáo viên tiểu học ở Louisville, bang Kentucky, cùng bạn gái đồng tính Jessica Holland mùa xuân năm ngoái tìm mua nhà. Với tổng thu nhập khoảng 100.000 USD một năm, Roark và Holland tin rằng 250.000 USD sẽ là số tiền vừa đủ để họ có căn nhà đầu tiên với một hoặc hai phòng ngủ.
Vào đầu những năm 2000, bố của Roark từng mua căn nhà 8 phòng ngủ ở New Orleans chỉ với giá 160.000 USD. Nhưng giờ đây, Roark và Holland chỉ có thể tìm được những căn nhà xây thô với số tiền họ có.
Họ vẫn muốn ưu tiên tiết kiệm tiền mua nhà, nhưng gánh nặng quá lớn khiến họ cảm thấy không thể tiếp tục thực hiện bất kỳ mục tiêu sống nào khác. Cả hai đều cho rằng thế hệ cha mẹ của họ dường như mua nhà, lập gia đình dễ dàng hơn nhiều, dù kiếm được ít hơn họ khi ở cùng độ tuổi.
"Chúng tôi đã làm đúng mọi thứ, sống tiết kiệm, học ở những trường tốt, tôi có bằng thạc sĩ, nhưng mọi thứ vẫn rất khó khăn", Holland cho hay.
Tại Des Plaines, Illinois, Kevin Murphy, 31 tuổi, cho rằng ngay cả việc tìm kiếm một người bạn đời cũng khó khăn hơn trước đây vì việc hẹn hò đang trở nên ngày càng tốn kém. Không phải lúc nào Murphy cũng đủ khả năng chi trả cho tình phí và lo lắng rằng mình kém hấp dẫn hơn những người kiếm được trên 95.000 USD mỗi năm hay sở hữu một căn nhà.
Trong cuộc thăm dò của Wall Street Journal/NORC, 62% số người được hỏi cho biết hôn nhân là điều cần thiết hoặc quan trọng đối với giấc mơ Mỹ của họ, nhưng chỉ có 47% tin rằng nó dễ dàng đạt được.
"Với tôi, giấc mơ Mỹ dường như xa vời hơn bao giờ hết", Murphy, nhân viên tại một công ty năng lượng, nói. "Tôi sợ rằng đến 50 hay 60 tuổi mà không có gì thay đổi, đời tôi coi như xong".
Murphy tương tác với những người Mỹ lớn tuổi gần như hàng ngày thông qua công việc phụ là người sáng lập tổ chức phi lợi nhuận Jet City Coalition, tổ chức cung cấp dịch vụ bảo trì nhà miễn phí cho người khó khăn.
Theo anh, nỗi tuyệt vọng đang ngày càng lớn dần lên vì chi phí sinh hoạt tăng cao và vì mọi người có cảm giác rằng "mọi tính toán đều trở nên vô nghĩa".
Murphy đặc biệt lo ngại về khoảng cách giàu nghèo, vốn vẫn gia tăng theo thời gian, theo bản phân tích dữ liệu khảo sát tài chính người tiêu dùng của tác giả Scott Winship từ Viện Doanh nghiệp Mỹ.
Năm 1989, giá trị tài sản ròng điển hình của 10% hộ gia đình giàu nhất chỉ dưới 15 lần giá trị tài sản ròng trung bình chung của tất cả người Mỹ. Con số đó tăng lên gần 20 lần vào năm 2022, dù giá trị tài sản trung bình đã cao hơn gấp đôi so với năm 1989 ngay cả sau khi đã điều chỉnh theo lạm phát, Winship lưu ý.
Trong thời kỳ biến động của nền kinh tế Mỹ, một số người đã tận dụng tốt cơ hội lãi suất thấp để mua nhà, khiến khoảng cách giữa những người có thu nhập cao với phần còn lại hiện nay càng lớn hơn.
"Tôi cảm thấy như những người đó đã phá hỏng mọi thứ với chúng tôi", Murphy nói. "Đây là điển hình giữa việc người thì có tất cả, những kẻ còn lại chẳng có gì".
Vũ Hoàng (Theo WSJ, AFP, Reuters)