"…Christchurch đón tôi bằng một ngày tháng 7 đẹp trời. Irfan đã đợi tôi ở sân bay trước đó nửa tiếng, nhìn tôi cười hiền, nói câu 'Xin chào' bằng thứ tiếng Việt lớ ngớ mà dễ mến không sao tả xiết. Ngồi cạnh Irfan trên ghế trước của chiếc xe, tôi im lặng đưa mắt nhìn khắp những hàng cây, những tòa nhà chạy dọc theo con đường đến trường của Phong.
Christchurch đẹp đẽ và yên bình như nàng công chúa đang chìm đắm trong giấc ngủ ngàn năm. Những tòa nhà san sát, mang phong cách châu Âu cổ kính, trước mỗi quán café hay đồ lưu niệm thường có treo những chậu hoa bé xíu rất dễ thương. Đường phố rất sạch sẽ, thi thoảng gió to, những chiếc lá xanh còn vương lại trên vai người đi bộ. Tôi đưa tay định đón một chiếc lá, thường thì sẽ đón trượt và Irfan sẽ phì cười…
Xe chạy chầm chậm vào một con đường nhỏ tĩnh lặng, tôi nhận ra ngay ngôi nhà của Irfan dù mới đến lần đầu. Tôi đã ngắm nó cả chục lần khi chọn một ngôi nhà homestay cho những ngày đầu du học bên đây. Bác gái đã đợi sẵn tôi ở cửa, tạp dề và tay còn dính ít bột, rõ là đang làm dở mẻ bánh nào đó. Bác ôm tôi một cái xiết chặt rồi khen tôi xinh và trắng hơn so với trong ảnh…
Cửa sổ phòng vẫn còn khép hờ, từng tia nắng chiếu xuyên qua cửa như lời mời gọi. Irfan đã nói với tôi rằng: "Chỉ cần mở cửa sổ, cậu sẽ có cả thiên đường trong tay". Và chẳng để mình đợi lâu, tôi mở toang cánh cửa, hít hà cái không khí trong lành đầy lồng ngực.
Nắng chiếu qua tán cây từng vạt sánh lấp lánh, tạo nên bức tranh đầy lãng mạng đắm say. Tôi tự hỏi là nếu Levitan ở đây thì ông có trầm trồ như tôi không, có cố gắng ngăn cho tim mình khỏi đập nhanh như tôi không…
Những ngày đầu tiên đi học cũng thật là gian nan. Tôi phải học cách thể hiện bản thân, học cách nói ra chính kiến của mình và bảo vệ đến cùng, học cách làm quen với những buổi tranh luận nảy lửa không khác gì…cãi nhau. Nhiều khi cảm thấy thật khó chịu khi buổi tranh luận đang đến hồi cao trào còn tôi thì không tìm được từ để diễn tả ý mình.
Sau một ngày vất vả, tôi sẽ nằm ườn ra giường như chú mèo lười biếng và nghĩ về nhà. Tôi nằm và mường tượng ra những người thân của tôi sẽ làm gì ở nhà. Việt Nam cũng có rất nhiều điểm đẹp như nơi đây, nhưng tại sao con người Việt lại không có ý thức gìn giữ và phát huy những vẻ đẹp của chúng…
Tết năm nay tôi sẽ không về Việt Nam được. Năm nay tôi sẽ trải qua Tết ở Christchurch. Bác gái sợ tôi buồn, nhớ nhà nên liên tục rủ tôi đi chợ. Irfan rủ tôi tới một vài cửa hàng ăn món Trung Quốc và món Việt, để ăn dưa hành, cà và một số loại mứt, ô mai không khác gì Việt-Nam.
Nhìn cái cách cậu tò mò và xì xụp món phở Việt Nam, tôi không nỡ lòng nào nói với cậu rằng món phở ở đây dở ẹc, phở Việt Nam ngon hơn thế này gấp vạn lần. Nếu có dịp tới Việt Nam, tôi nhất định phải mời cậu ăn phở, à, cả…sầu riêng nữa chứ. Và tôi đã trải qua cái tết đầu tiên xa nhà…
Mùa nối mùa cứ thế trôi qua. Những ngày nghỉ, tôi ngồi trong một công viên nào đó, ngắm những đôi thiên nga bơi lội trong mặt hồ soi bóng mây, nghe Si – cô nhóc hàng xóm, kể cho tôi tình hình ở nhà và chụp vài bức ảnh cho tôi xem. Ở nhà, tôi thương bà tôi nhất, bố mẹ tôi hay đi làm triền miên, tôi không có anh chị em, bà tôi dường như trở thành người bạn thân thiết của tôi từ tấm bé. Tôi, Si và bà cùng nhau dậy sớm và đi bộ thể dục, tưới những giỏ phong lan khắp vườn.
Tôi hay kể cho Si nghe mọi chuyện ở đây và nghe em kể về bà. Gập Laptop, gửi lại tin nhắn cuối trước khi vềa: "Chị về nhà đây, em nhớ giữ gìn sức khỏe để nghe tiếp những câu chuyện nhé", tôi nhận ra mình gọi nơi đây là nhà, ôi sao mà thân thương thế.
Tuổi già không bỏ qua ai, bà tôi đã mắc chứng đãng trí, tôi thảng thốt khi nghĩ đến một ngày nào đó, khi tôi quay về, bà không nhận ra tôi nữa. Tôi ngồi bó gối và thấy lòng đau nhói. Một bàn tay nhẹ nhàng đặt lên vai tôi, ấp ám,bàn tay có vương mùi bột mì. Thật tuyệt khi ở một nơi xa lạ, bạn có một nơi gọi là "nhà" và những "người thân"…
Mùa hè của năm thứ hai, tôi trở về nhà và thấy lòng nặng trĩu. Bà đã không còn nhớ ra tôi, bà cũng đã quên đi những thói quen tôi và bà hay làm cùng nhau, quên cả cách đan len,quên cả những câu chuyện từng kể. Điều đó làm tôi thấy buồn ghê gớm. Tôi vẫn giữ thói quen cùng đi bộ mỗi sớm với bà và Si, cùng ngồi nói chuyện với bà, hy vọng bà sẽ nhớ ra điều gì đó, cho dù lần sau trở về, bà sẽ lại quên tôi…".
Những buổi chiều, tôi vẫn ôm quyển sổ ngồi dưới gốc cây và viết. Giờ tôi không còn viết cho chị nữa, tôi viết cho chính mình, cho những năm tháng trưởng thành của tôi. Một lần, bà tới và ngồi cạnh tôi. Tôi mân mê đôi bàn tay đầy nếp nhăn của bà và hỏi: "Bà ơi, chị ấy đã đi rồi, nếu một ngày Si cũng đi, để bà lại một mình thì sao ạ".
Bà nhìn vào khoảng trời xa lạ, bà giờ đây không còn nhận ra ai, quên đi cả cách nói chuyện. Chị đã mất trong một tai nạn, trên đường tới sân bay để quay lại Christchurch tiếp tục kỳ học của mình. Những câu chuyện ở Christchurch vẫn mãi dang dở. Chị có biết rằng mình đã gieo vào tâm hồn em nỗi khát khao cháy bỏng được đi và trải nghiệm.
Tuổi mười sáu của tôi, tôi đã không còn ở vùng đất năm nào, tôi đã cùng gia đình chuyển đến nơi ở mới, để lại bà cùng những giỏ phong lan. Nhà tôi không giàu, cũng nói là đủ sống, và cuộc sống bận rộn giữ chân tôi ở một chỗ trong cuộc sống quay cuồng.
Tôi tự nói mình không nên nghĩ tới những ước muốn viển vông, được đi đây đi đó, bỏ tất cả lại phía sau, tôi lo sợ những khó khăn mình sẽ gặp phải, tôi lo sợ những người thân ở nhà sẽ ra sao, tôi lo sợ về một hung tin giữa chặng đường khám phá. Nhưng trong tôi có một khát khao cháy bỏng, mong muốn được đến New Zealand, được sống và cảm nhận, để tìm hiểu về đất nước, con người thân thiện nơi ấy, nơi mà chị gọi là "nhà" trong những ngày tháng du học.
Tôi không biết rồi mình sẽ gặp những khó khăn gì, nhưng tôi tin là mình sẽ vượt qua được, để viết tiếp câu chuyện còn danh dở của chị. Tôi sẽ đi tiếp con đường của riêng tôi, không ngần ngại. Mỗi lần đặt chân đến một vùng đất mới là mỗi lần tôi khám phá thêm được một chút về chính mình. Bạn sẽ mãi mãi không hiểu hết chính mình nếu cứ ở yên mãi một chỗ.
Chú chim kiwi bé nhỏ, chú cũng có một đôi cánh nhưng lại không thể bay. Kiwi dựng cây dọc theo vách núi để khi lao xuống, nó có cảm giác như mình đang bay trên các ngọn cây, bất chấp cái kết đáng buồn khi chú chạm đích.
Nguyễn Thị Hải Yến