Hai xe cứu thương của Trung tâm Cấp cứu 115 chở nạn nhân vụ cháy nhà từ đường Lê Trọng Tấn hối hả nối đuôi nhau về hướng Bệnh viện Nhi đồng 1, chiều 31/5. Hai em bé 10, 11 tuổi, đều ngộ độc CO vì ngạt khói, bất tỉnh, cần được đến bệnh viện nhanh chóng. Các bé vừa được đội cứu hộ đưa ra từ căn nhà cháy ngùn ngụt.
Trên đường chạy đến bệnh viện Nhi đồng 1, vừa vượt qua ngã tư, tài xế Nguyễn Thanh Trí đang lái chiếc xe của Trung tâm cấp cứu 115 TP HCM, mừng vì sáng chủ nhật đường khá thoáng. Chưa kịp nhấp ga tăng tốc, một người đàn ông điều khiển xe máy từ đâu lấn sang làn ôtô, chậm rãi đi ngay trước mũi xe cấp cứu. Anh Trí bấm còi, thò đầu ra khỏi xe cứu thương xin tránh đường nhưng người đàn ông không phản hồi, vẫn cản trước đầu ôtô.
Suốt 5 phút sau đó, anh Trí tìm mọi cách để vượt qua chiếc xe máy nhưng không được. Mãi sau, người lái xe máy rẽ sang hướng khác, chiếc xe cứu thương mới có thể tăng tốc. May mắn, các nạn nhân không nguy kịch trên đường vận chuyển, kịp thời đến bệnh viện.
Trở ngại giao thông chỉ là một trong nhiều mối lo của chuyên viên cấp cứu ngoại viện.
Y sĩ Đỗ Phú Đại, 26 tuổi, trưởng kíp cấp cứu ngoại viện Trung tâm cấp cứu 115 TP HCM, cho biết điều kiện làm việc của anh và các đồng nghiệp tương đối nguy hiểm. Ngoài số ít cấp cứu tại nhà, thì hầu hết hiện trường là ngoài đường với tai nạn giao thông, hỏa hoạn, tai nạn lao động, ẩu đả... Cứ có điều động, anh cùng ê kíp xách vali thuốc lên đường, bất kể đêm hôm, nắng mưa hay bão lụt.
Có lần nhận tin báo yêu cầu hỗ trợ cấp cứu nạn nhân một vụ đâm chém, Đại cùng hai điều dưỡng tới sớm hơn lực lượng công an. Nạn nhân nằm ôm ngực chảy máu đầm đìa kêu cứu, nhưng anh và đồng đội không dám can thiệp ngay lập tức. Sát cạnh, người đàn ông xăm trổ đầy mình, tay cầm mã tấu khua khoắng loạn xạ đe dọa, cấm lại gần. Khung cảnh vô cùng hỗn loạn.
"Chúng tôi không được bất kỳ ai bảo vệ. Chứng kiến nạn nhân trở nặng, anh em bất lực, không dám xông vào. Khi hung thủ bị công an khống chế, thao tác sơ cấp cứu mới bắt đầu. Cầm máu cho nạn nhân, chúng tôi hoang mang không biết người này có mắc bệnh truyền nhiễm hay không. Vừa làm vừa lo", anh Đại tâm sự.
Áp lực từ thân nhân người bệnh và sự thái quá của người dân cũng khiến quá trình cấp cứu ngoại viện gặp nhiều cản trở, thậm chí gây áp lực lớn lên tâm lý y bác sĩ cấp cứu. Điều dưỡng Bùi Thị Bích Ngọc, 27 tuổi, chia sẻ rằng 5 năm trong nghề, nhiều lần chị suýt bật khóc vì ức chế.
Hai năm trước, nhận tin ở quận 5 có bệnh nhân nặng, ngưng tim ngưng thở, chị cùng ê kíp tức tốc tới nơi. Bệnh nhân có người nhà là bác sĩ, liên tục gọi điện từ xa đốc thúc dồn dập, vừa nhờ vả, vừa chỉ huy mặc dù kíp trưởng cấp cứu lúc đó cũng là bác sĩ.
Bĩnh tĩnh gạt qua khó chịu, cả đội thay nhau ép tim ngoài lồng ngực, hô hấp nhân tạo, trợ thuốc hồi sinh bệnh nhân. Sau hai giờ liên tục, các dấu hiệu sinh tồn, mạch, huyết áp, nhịp tim xuất hiện trên màn hình máy monitor. Lúc này, mọi người mới dừng tay đưa bệnh nhân lên xe tới bệnh viện.
"Trong khi mình cố tập trung 100% sức lực, tinh thần cho bệnh nhân thì người nhà lớn tiếng, can thiệp chuyên môn. Thực sự mệt gấp đôi khi phải trấn an người nhà quá khích", Ngọc nói.
Với nạn nhân tai nạn giao thông, áp lực còn nặng nề hơn. Hiện trường là đường sá, người dân hiếu kỳ vây kín nạn nhân chỉ để livestream, chụp ảnh mà không gọi cấp cứu. Còn có trường hợp người báo tin sai địa điểm, dẫn đến thời gian tiếp cận bệnh nhân bị kéo dài, gây nguy hiểm nếu tình trạng bệnh nặng.
Khi kíp cấp cứu có mặt, thay vì hỗ trợ, người dân lại trách móc. Không ít câu hỏi như sao đến chậm trễ, sao không đưa đi bệnh viện ngay... vô tình làm tổn thương các y bác sĩ.
"Điều buồn nhất trong nghề này là tận mắt nhìn thấy bệnh nhân ra đi mà không làm được gì vì kẹt xe, vì bị cản đường. Chúng tôi mong rằng người tham gia giao thông nâng cao ý thức, hỗ trợ chúng tôi cứu người", tài xế Nguyễn Thanh Trí bày tỏ.
Anh Thư