Cuối năm sức mua các mặt hàng sẽ tăng. Ảnh: Anh Tuấn |
Theo nhận định của ông Nguyễn Tiến Thỏa, Phó Cục trưởng Cục quản lý Giá Bộ Tài chính, việc giảm giá xăng dầu sáng 22/11 sẽ giúp CPI các nhóm các mặt hàng liên quan đến nhiên liệu và khí đốt tháng cuối năm và những tháng đầu năm tiếp theo sẽ bớt căng thẳng hơn. Ông giải thích, xăng, dầu là đầu vào của nhiều mặt hàng và khi mặt hàng này biến động sẽ kéo theo các nhóm mặt hàng khác.
Tuy nhiên, theo ông Võ Trí Thành, Trưởng ban Nghiên cứu Chính sách Hội nhập kinh tế Quốc tế Viện quản lý kinh tế trung ương (CIEM), nếu xét về tác động đối với CPI thì mức giảm 500 đồng/lít nhìn chung không đáng kể. Ông cho rằng, trong rổ hàng hóa tính CPI, số mặt hàng sử dụng xăng dầu không lớn, do đó, nếu kỳ vọng vào việc chỉ giảm 500 đồng/lít xăng, dầu để hy vọng nó sẽ kéo giá các mặt hàng xuống là điều không thể.
Theo ông Thành, thời gian qua, do tác động của bão, dịch cúm gia cầm và nhu cầu thực phẩm tăng trong mùa cưới, giá hầu hết các loại thực phẩm đều tăng rất mạnh. "Như vậy có thể thấy, nguyên nhân khiến giá cả nhiều mặt hàng lên trong thời gian qua không phải do giá xăng dầu tăng. Vì thế, giá xăng dầu trong nước giảm với mức thấp như trên chắc chắn không có ảnh hưởng nhiều đến giá cả các mặt hàng cuối năm", ông Thành nói.
Ông Thành cho rằng, với việc giảm giá này, điều quan trọng là về mặt chính sách, thể hiện Chính phủ đã linh hoạt hơn và đã bắt kịp với thị trường hơn. Nó cũng thể hiện rõ mục tiêu chia sẻ gánh nặng cho cả 3 bên là Nhà nước, người tiêu dùng và doanh nghiệp trong bối cảnh giá cả các mặt hàng đang leo thang hiện nay.
Đồng tình với quan điểm này, ông Trần Đình Thiên, chuyên gia kinh tế, Viện nghiên cứu Kinh tế VN, khẳng định, trong khi giá dầu thế giới tiếp tục biến động, Nhà nước vẫn tiến hành giảm giá bán lẻ trong nước chứng tỏ quyết tâm của cơ quan quản lý. Giảm giá không còn là vấn đề đạo đức kinh tế nhằm tạo dựng niềm tin cho người tiêu dùng mà dù ít dù nhiều trong bối cảnh dịch cúm gia cầm bùng phát... động thái này, sẽ ảnh hưởng tích cực đến các chỉ tiêu kinh tế nói chung. Theo ông Thiên, tháng cuối năm, nhu cầu ăn ở phục vụ lễ Tết, Noel cưới hỏi thì nhu cầu thực phẩm sẽ cao hơn do vậy, chỉ số giá đối với nhóm hàng này sẽ còn tiếp tục đà tăng giá mạnh.
Nhận định về những tác động từ việc giảm giá xăng dầu đối với chỉ số giá những tháng đầu năm 2006, ông Thiên cho rằng, chỉ số giá vẫn giữ ở mức cao bởi các nhóm mặt hàng như điện, than... đã có phương án tăng giá.
Theo Tổng cục thống kê, CPI tháng 11 tiếp tục duy trì mức tăng 0,4% của tháng trước. Với mức tăng này, CPI của 11 tháng đã lên tới 7,6%. Hà Nội là địa phương có CPI cao nhất trong tháng 11 với 1,1%. Đứng thứ hai Hải Phòng với 0,8%, tăng 0,1%. Tốc độ tăng giá của TP HCM vẫn duy trì mức tăng của tháng trước là 0,4%.
Hà Vy - Hồng Anh