Theo dự thảo mới, công thức tính giá cơ sở sẽ không phụ thuộc vào một nguồn duy nhất nhập khẩu như trước mà tính cả nguồn sản xuất trong nước (từ các nhà máy lọc hoá dầu). Như vậy, giá cơ sở xăng dầu sẽ phụ thuộc vào cả giá và tỷ lệ nhập khẩu cũng như sản xuất trong nước. Trong đó, giá xăng dầu từ nguồn nhập khẩu được xác định trên cơ sở yếu tố đầu vào như giá xăng dầu thế giới, chi phí định mức tối đa, lợi nhuận định mức, thuế, phí... và bổ sung quy định về cách tính thuế thu nhập theo bình quân gia quyền.
Còn giá xăng dầu từ nguồn sản xuất trong nước được xác định trên cơ sở giá xăng dầu thế giới cùng Premium (khoản chênh lệch so với giá thế giới, được xác định theo phương pháp bình quân gia quyền theo sản lượng), chi phí định mức tối đa đưa về cảng, thuế tiêu thụ đặc biệt cùng các chi phí thuế, phí khác.
Hoặc, giá xăng dầu sản xuất trong nước sẽ được xác định bằng giá bình quân của các nhà máy lọc dầu trong nước, cộng với chi phí định mức tối đa đưa xăng dầu từ nhà máy lọc dầu trong nước về đến cảng, chi phí kinh doanh định mức tối đa, lợi nhuận định mức, trích quỹ và thuế, phí khác.
Riêng xăng sinh học (E5, E10...) được tính thêm giá của ethanol nhiên liệu được nhập khẩu và mua từ nguồn trong nước theo tỷ lệ nhất định.
Tỷ trọng cơ cấu nguồn xăng dầu đã thay đổi khác trước với 70-75% đến từ nguồn sản xuất trong nước là lý do Bộ Công Thương đưa ra giải thích cho việc bổ sung thêm nguồn hàng này trong công thức tính giá cơ sở bán lẻ xăng dầu. Ngoài ra, việc tham gia các hiệp định thương mại (FTA) dẫn nhiều mức thuế suất thuế nhập khẩu xăng dầu khác nhau, nên cần thiết phải sửa đổi công thức tính giá cơ sở dựa trên các yếu tố chi phí hình thành từ hai nguồn, gắn với xác định mức thuế nhập khẩu phù hợp từ các nguồn khác nhau để đưa vào công thức tính giá.
Việc bổ sung nguồn hàng trong nước để tính giá cơ sở xăng dầu theo các chuyên gia là hợp lý khi cung xăng dầu từ hai nhà máy lọc dầu Dung Quất, Nghi Sơn có thời điểm chiếm tới 80% tỷ trọng nguồn hàng tiêu thụ trên thị trường. Song cũng có ý kiến lo ngại, bởi giá bán của các nhà sản xuất trong nước cho từng khách hàng là khác nhau, tùy thuộc vào thỏa thuận thương mại.
Thực tế, mức giá bán có thể được chốt theo giá xăng dầu thế giới giao dịch trong nhiều ngày sau khi bán hàng, giao hàng, thuộc về bí mật kinh doanh của doanh nghiệp. Giám đốc một doanh nghiệp sở hữu hơn 10 cửa hàng bán lẻ tại Hà Nội cho rằng, nếu tính giá cơ sở theo giá bán của các nhà sản xuất xăng dầu trong nước sẽ không bảo đảm nguyên tắc phù hợp với diễn biến thế giới, thậm chí còn ngược chiều nhau.
Chia sẻ quan điểm này, lãnh đạo một doanh nghiệp đầu mối kinh doanh xăng dầu phía Nam cũng cho rằng, các đơn vị mua hàng từ các nhà máy trong nước được lợi thế không phải chịu thuế nhập khẩu nhưng vẫn phải tính phụ phí thêm 10% đối với xăng. Vì thế, giá mua trong nước và nước ngoài không chênh nhau nhiều và đây là điểm chưa hợp lý nếu bổ sung nguồn hàng này trong công thức tính giá cơ sở mới. Chưa kể, giá bán của các nhà máy lọc dầu chỉ được thông báo tới từng doanh nghiệp mua, mà không được công khai rộng rãi cũng sẽ khó trong quá trình giám sát độ chính xác của giá này.
Điểm chưa hợp lý nữa được giới phân tích nêu, là công thức tính giá cơ sở mới vẫn áp dụng thuế nhập khẩu bình quân gia quyền theo sản lượng nhập khẩu quý trước để làm cơ sở tính giá cho quý sau.
Việc áp dụng mức thuế nhập khẩu bình quân gia quyền trên cơ sở số liệu quý trước để tính thuế cho quý sau (90 ngày sau) dẫn đến giá bán xăng dầu trong nước không phản ánh đúng diễn biến giá thành phẩm xăng dầu thế giới, thậm chí có những thời điểm giá bán trong nước có thể ngược chiều với xu hướng giá thành phẩm thế giới.
Theo lộ trình cam kết giảm thuế nhập khẩu ưu đãi đặc biệt với xăng nhập khẩu thuộc các nước khu vực ASEAN, từ năm 2024, thuế này sẽ về 0%. Khi đó, việc tính thuế nhập khẩu bình quân gia quyền theo sản lượng từ các nguồn nhập khẩu sẽ không còn ý nghĩa.
Giá chưa phản ánh đúng tính thị trường và có độ trễ nhất định, song đáng nói là tỷ lệ thuế, phí trong công thức tính giá cơ sở vẫn quá lớn, trên 60%. Với tỷ lệ thuế, phí này, giá bán lẻ cuối cùng tới tay người tiêu dùng vẫn "biến động mạnh và chênh lệch xa so với thế giới".
Sự biến động mạnh của giá bán lẻ xăng dầu trong nước còn đến từ việc dự thảo sửa đổi Nghị định 83 đưa ra quy định nới biên độ điều chỉnh giá bán lẻ từ các yếu tố đầu vào.
Giới phân tích cho rằng, việc loại bỏ quyền tự chủ trong quyết định giá của thương nhân, đồng thời nới mức điều chỉnh giá 7-10% mới xin ý kiến Thủ tướng, sẽ làm khoảng cách biến động giá tăng lên.
Quy định tại Nghị định 83 hiện tại cho phép các thương nhân đầu mối, phân phối xăng dầu được chủ động tăng giá bán lẻ xăng dầu trong phạm vi 3%. Mức chênh lệch 3-7% thì được tăng giá một phần, phần còn lại sử dụng Quỹ bình ổn giá xăng dầu để bù đắp. Còn khi mức tăng giá cơ sở trên 7% sẽ phải báo cáo Thủ tướng, cho ý kiến về biện pháp điều hành cụ thể.
Còn với dự thảo sửa đổi, Bộ Công Thương đề xuất điều chỉnh từ mức 7% lên 10% sẽ báo cáo xin ý kiến Thủ tướng. Việc này theo giải thích là nhằm tăng tính chủ động, linh hoạt của cơ quan điều hành giá, nhưng bỏ quy định tự quyết giá của thương nhân.
"Thực tế, giá xăng dầu tăng ở mức dưới 10% thì thương nhân sẽ được quyền quyết định thế nào, và cơ quan nhà nước có thẩm quyền quyết định giá ra sao. Còn nếu giá tăng tới 10% thì có thể ảnh hưởng lớn tới điều hành kinh tế - xã hội, kiểm soát lạm phát của Chính phủ", một chuyên gia trong lĩnh vực xăng dầu băn khoăn.
Hiện dự thảo sửa đổi Nghị định 83 về kinh doanh xăng dầu được Bộ Công Thương tiếp tục lấy ý kiến, hoàn thiện trước khi trình Chính phủ vào quý IV năm nay.
Kỳ Duyên