Tôi đã nhiều lần chứng kiến người của tiệm này sang tiệm khác lấy thêm các món đồ khách cần, hoặc bán hàng giúp nếu chủ tiệm đi vắng. Các tiệm luôn cạnh tranh nhưng cũng sẵn sàng hỗ trợ nhau để buôn bán theo cách như vậy.
Tôi nhớ đến thành ngữ này khi nghĩ tới mối quan hệ gần đây giữa ngành du lịch và hàng không. Trong khi nhiều điểm du lịch ế khách vì giá vé máy bay nội địa tăng cao dịp lễ 30/4, ngành hàng không cũng đang phải loay hoay tự cứu mình.
Nha Trang và Phú Quốc là hai địa điểm thu hút du khách trong và ngoài nước. Tuy nhiên, theo một phó Chủ tịch Hiệp hội Du lịch Nha Trang - Khánh Hòa, lượng khách đoàn đặt trước tour dịp lễ chỉ đạt khoảng 60% so với cùng kỳ các năm trước dịch Covid-19. Năm nay, khách từ miền Bắc giảm mạnh vì giá vé máy bay tăng cao. Hiệp hội Đầu tư Du lịch Phú Quốc cũng cho biết, lượng khách đặt phòng ở "đảo ngọc" dịp 30/4 chỉ bằng 20% so với cùng kỳ năm ngoái.
Với Nha Trang và Phú Quốc, du lịch bằng máy bay đã trở nên phổ biến và chủ yếu. Vì vậy, giá vé máy bay là chi phí đầu tiên được tính đến trong mọi lịch trình. Theo khảo sát của VnExpress, giá vé máy bay nội địa tăng khoảng 20% đến 40% so với cùng kỳ năm ngoái và ít có sự chênh lệch giữa các hãng hàng không. Sự sụt giảm về doanh số của sản phẩm nào đó, ngoài nguyên nhân do chất lượng của chính sản phẩm, giá cả là một yếu tố quan trọng. Trong bối cảnh kinh tế toàn thế giới có nhiều biến động, lạm phát tăng cao ở mọi nơi, giá của sản phẩm du lịch tại Việt Nam cũng bị đẩy cao, làm giảm sức hút đáng kể.
Theo thống kê của nền tảng du lịch Mustgo, công suất phòng khách sạn tại các điểm du lịch cần di chuyển bằng máy bay như Phú Quốc, Nha Trang hay Đà Nẵng vào dịp 30/4 năm nay chỉ ở khoảng 60%. Con số này tại điểm du lịch không phụ thuộc đường hàng không như Sapa là từ 80% đến 100% tùy phân khúc khách sạn. Điều này cho thấy giá vé máy bay nội địa tăng cao đã tác động mạnh đến tình hình du lịch.
Hiệp hội doanh nghiệp hàng không giải thích, chi phí đầu vào như giá xăng hay tỷ giá ngoại tệ tăng mạnh khiến giá vé máy bay phải tăng theo. Ngoài ra, chuyện cung cầu vào mùa cao điểm cũng khiến các hãng hàng không phải tăng giá vé nhằm giải quyết bài toán doanh thu. Nói cách khác, các hãng hàng không cũng không có giải pháp nào khác ngoài việc tăng giá vé để bảo đảm sự sống còn của chính mình.
Du lịch cần hàng không vận chuyển khách, hàng không cũng cần du lịch tạo một lý do để khách bước lên máy bay. Đây quả thực là câu chuyện "đưa - đẩy" mà khả năng "cùng thắng" (win - win) vẫn có thể xảy ra.
Trước hết, trong tình hình nền kinh tế có dấu hiệu chững lại, việc có được doanh thu hay lợi nhuận như trước chỉ nhờ vào các sản phẩm lưu trú cơ bản là không khả thi. Tăng doanh thu hay lợi nhuận cần được thực hiện bằng việc bán các dịch vụ giá trị gia tăng. Lợi nhuận này tỉ lệ với số lượng khách du lịch. Do đó, cần một biện pháp kích cầu kéo du khách đến.
Để đạt cùng một doanh thu, doanh nghiệp có thể lựa chọn giá bán cao và số lượng bán hàng thấp hoặc ngược lại. Nếu giá bán có thể giảm để tăng số lượng bán hàng, doanh thu vẫn có thể được giữ nguyên.
Vì vậy, trong trường hợp này, ngành du lịch nói chung, các đơn vị dịch vụ lưu trú nói riêng, có thể tự kích cầu cho chính mình. Khách sạn có thể cắt giảm giá bán để giảm bớt chi phí khách hàng phải chịu đựng khi giá vé máy bay tăng lên. Theo phó chủ tịch Hiệp hội Lữ hành Việt Nam, khách có thể chi trả 10 triệu đồng cho chuyến đi 4-5 ngày nhưng có thể không đủ khả năng trả 7-8 triệu đồng cho vé máy bay nội địa. Do đó, nếu tổng chi phí ít thay đổi, khách du lịch nhiều khả năng vẫn sẽ đến với họ. Một khi số lượng khách đông hơn so với hiện nay, ngành du lịch có thể khai thác thêm các dịch vụ giá trị gia tăng để tăng lợi nhuận, đồng thời gián tiếp ngăn cản chảy máu khách nội địa du lịch nước ngoài.
Song song đó, các hãng hàng không có thể "tranh thủ" mùa cao điểm du lịch để "tận thu" nhằm bù đắp lỗ trong những năm qua do dịch bệnh và biến động giá đầu vào. Theo Hiệp hội Vận tải hàng không quốc tế (IATA), Việt Nam đứng đầu danh sách các nước có thị trường hàng không nội địa phục hồi nhanh nhất thế giới sau dịch. Các hãng hàng không chủ lực của Việt Nam đều cho biết thị trường quốc tế của họ chỉ phục hồi chưa tới 50% so với trước dịch. Rõ ràng, thị trường nội địa đang là điểm tựa cho các hãng hàng không và du lịch nội địa là một lý do củng cố cho điểm tựa ấy. Vì lẽ đó, các hãng hàng không cần có chính sách hỗ trợ giá cho các đơn vị du lịch theo mức đóng góp khách cho hãng.
Nói cách khác, mức hỗ trợ từ ngành du lịch và ngành hàng không như thế nào để có được lượng khách hàng đảm bảo doanh thu như mong muốn của cả hai ngành, là bài toán tối ưu hoàn toàn có thể giải được.
Hàng không và du lịch là hai ngành khác nhau, nhưng lại nằm trong một chuỗi sản phẩm chia sẻ những lợi ích chung và không thể tách rời. Việc hai ngành ấy có thành bạn để cùng đi buôn, có tạo thành phường để bán hàng trôi chảy hay không, phụ thuộc vào một sự kết nối có mục đích và tính toán.
Võ Nhật Vinh