Sau hàng chục lần điều chỉnh giá tăng liên tục, đến cuối giờ chiều nay, mỗi lượng vàng miếng SIC được Tập đoàn DOJI niêm yết giá 33,52-33,72 triệu đồng, tăng tổng cộng 780.000 đồng so với sáng hôm qua. Biên độ mua bán cũng được đơn vị này giãn khá rộng, lên 200.000 đồng. Công ty PNJ chốt ngày cũng ở mức giá khá cao, 33,40-33,75 triệu đồng.
Trước đó, mở cửa đầu ngày, Tập đoàn DOJI công bố giá quanh 32,97-33,02 triệu đồng, tăng 80.000 đồng cả hai chiều mua và bán so với sáng 11/8. Nửa tiếng sau, khi giá vàng thế giới đi lên, đơn vị này mạnh tay tăng mỗi lượng thêm 120.000 đồng, lên sát 33,09-33,14 triệu đồng. Còn Công ty Vàng bạc đá quý Phú Nhuận (PNJ) có giá mua bán dao động quanh 32,94-33,06 triệu đồng. Biên độ giãn rộng 120.000 đồng.
Đến 13h, Tập đoàn DOJI tiếp tục tăng mạnh chiều bán 120.000 đồng, lên 33,26 triệu đồng. Và hai tiếng giao dịch sau đó, giá đã đắt thêm 220.000 đồng, nâng tổng mức tăng lên 540.000 đồng so với sáng hôm qua.
Cùng lúc, Công ty Vàng bạc đá quý Phú Nhuận (PNJ) đẩy giá bán cao hơn DOJI, chạm 33,30 triệu đồng, còn mua vào có giá 33,10 triệu đồng. Biên độ giãn rộng đến 200.000 đồng. Đây là động thái thường diễn ra mỗi khi thị trường biến động mạnh.
Sự đi lên của giá trong nước chủ yếu nhờ lực đẩy từ thị trường thế giới. Trong giờ giao dịch châu Âu 11/8, có lúc giá vàng lên đỉnh 3 tuần, chạm 1.119 USD và sau đó chốt phiên tại Mỹ với mức 1.109 USD, tăng hơn 6 USD so với ngày trước đó.
Sang phiên châu Á sáng nay, giá vàng diễn biến khó lường khi giảm trước tăng sau. Theo đó, lúc mở cửa, mỗi ounce giảm gần 9 USD, xuống 1.103 USD, sau đó quay đầu hồi phục. Lúc 10h, giờ Hà Nội, giá lên 1.110 USD.
Đến giờ giao dịch châu Âu, thị trường thế giới tiếp tục đi lên. Mỗi ounce vàng đã chạm 1.116 USD tại thời điểm 14h50, tăng gần 8 USD so với mở cửa (khoảng 220.000 đồng). Quy ra tiền Việt, mỗi lượng vàng quốc tế hiện tương đương 29,9 triệu đồng mỗi lượng (chưa kể thuế, phí, gia công…), rẻ hơn giá trong nước khoảng 3,5 triệu đồng.
Tập đoàn DOJI cho biết, giá vàng ngày hôm qua đã có sự bứt phá ngoạn mục khi vượt ngưỡng 33 triệu đồng mỗi lượng sau chuỗi ngày giảm giá liên tiếp. Giá vàng miếng chạy trong biên độ từ 32,84 đến 33,05 triệu đồng một lượng. "Khi giá vàng có tín hiệu tăng, khách hàng đã nắm bắt cơ hội mua bắt đáy khiến thị trường giao dịch sôi động hơn. Số lượng khách mua chiếm 80% trên tổng lượng giao dịch", đại diện DOJI nói.
Trong khi đó, đại diện PNJ cho hay, trong ngày hôm qua, biên độ giữa giá vàng nội và ngoại tiếp tục thu hẹp về mốc 3,93 triệu đồng mỗi lượng do tốc độ tăng của thế giới nhanh hơn. Thị trường vàng trong nước cũng nhờ đó ấm dần lên khi lượng giao dịch tăng trên cả đầu mua vào và bán ra với tỷ lệ khá cân bằng.
Tuy nhiên, theo nhận định của PNJ, hiện các nhà đầu tư vẫn còn đang lo lắng với tình hình châu Âu, khi Hy Lạp chấp nhận các điều khoản để nhận các gói cứu trợ. Điều này sẽ khiến một số quốc gia được hưởng lợi mà đặc biệt là Đức, và như vậy dòng tiền đầu tư sẽ chắc chắn được rót vào trái phiếu Chính phủ của quốc gia này, bởi sự tin cậy và độ hấp dẫn của nó. Đây chính là cơ sở có thể tác động tiêu cực lên giá vàng thế giới đặc biệt là trong thời điểm hiện nay.
Trên thị trường ngoại tệ, giá mua bán USD trong ngân hàng bật tăng sau quyết định nâng biên độ tỷ giá USD/VND lên 2%. Sáng nay, Vietcombank niêm yết mua và bán lên 21.960-22.046 đồng. Nửa tiếng sau, đơn vị này tăng thêm 30 đồng chiều mua và 44 đồng chiều bán lên 21.990-22.090 đồng. Đến 14h30, giá mua vào cũng được ngân hàng đẩy lên chạm mức 22.000 đồng, trong khi bán ra giảm nhẹ xuống 22.070 đồng
Các ngân hàng khác như Eximbank, Vietinbank... cũng đồng loạt niêm yết giá mua bằng Vietcombank, còn bán dao động 22.060-22.070 đồng. Riêng Techcombank hiện vẫn giữ mức bán khá cao, 22.090 đồng.
Trên thị trường tự do, giá USD mua vào được các điểm thu đổi nâng 30 đồng so với sáng, lên 21.980 đồng, và thấp hơn so với giá trong ngân hàng. Riêng chiều bán ra cũng quay đầu hạ nhẹ, xuống 22.070 đồng.
Lệ Chi