Mẹ tôi năm nay 69 tuổi, sống một mình ở quê. Nhà mẹ nằm chính giữa, ba anh em tôi cũng ở gần đó, chung một khu đất.
Tôi làm vật liệu xây dựng, anh trai và em trai kinh doanh đồ nội thất. Ở địa phương, có thể nói anh em tôi là những "doanh nhân xã", có cửa hàng, có cơ sở làm ăn hẳn hoi.
Vài năm trước, khi vàng còn 59 triệu đồng một lượng, mẹ tôi bán một miếng đất bên ngoại, vì xa quá khó quản. Tiền bán đất được hơn 3 tỷ, đây cũng coi như khoản dưỡng già của bà.
Ba anh em tôi khi đó cũng cao hứng "chọc" mẹ: Đầu tư cho ba đứa làm ăn đi, tụi con trả lãi như ngân hàng. Nhưng mẹ tôi chỉ cười, lắc đầu, dứt khoát mang hết tiền đi mua vàng, gom đủ 45 cây rồi bỏ vào két sắt.
Lúc đó, chúng tôi còn cười thầm, nghĩ mẹ quá thận trọng. Nhưng mấy năm trôi qua, kinh tế làm ăn chững lại, xoay vốn ngày càng khó khăn. Người mua nợ vật liệu xây dựng của tôi hàng trăm triệu, Tết đến năn nỉ mãi họ mới trả một ít.
Anh em tôi ai cũng khổ sở vì bị khách nợ dây dưa. Lúc này mới thấy mẹ tôi tính quá chắc, chẳng lo tiền mất giá, chẳng phải chạy vạy xoay vòng vốn như tụi con.
Giờ vàng đã chạm ngưỡng 90 triệu một lượng, tính ra mẹ tôi nhẹ nhàng lời thêm một khoản đậm. Chúng tôi bái phục sát đất.
Ngày trước ai cũng nói: Mua vàng thì lỗ, mua thổ thì lời. Nhưng thời thế thay đổi, đất bây giờ không còn dễ sinh lời như trước. Nhìn mẹ tôi giữ vàng mà không động vào đồng nào suốt mấy năm, tôi rút ra bài học: khi đã lớn tuổi, có tiền thì cứ tự giữ lấy, đừng giao cho con cái, cũng nên quy tài sản thành cái gì đó dễ kiểm soát, giữ gìn.
Cũng đừng chạy theo những triết lý đầu tư sáo rỗng, quan trọng là phù hợp với thời thế và chính bản thân mình.
Nguyễn Năm