Các doanh nghiệp hôm nay lại được phen chóng mặt điều chỉnh giá, có nơi chỉ trong một buổi sáng đã thay bảng giá tới hơn 10 lần.
Lúc 11h30, giá vàng miếng được các doanh nghiệp lớn tại TP HCM tăng thêm 140.000 đồng thu mua và 120.000 đồng bán ra so với buổi sáng, niêm yết phổ biến ở mức 40,84-40,92 triệu đồng một lượng. Một số hiệu vàng nhỏ lẻ còn đẩy giá bán ra lên 40,95 triệu đồng.
Cùng lúc, Tập đoàn vàng bạc đá quý Doji tại khu vực Hà Nội, cũng niêm yết giá bán lẻ vàng miếng SJC ở mức mua vào 40,85, bán ra 40,93 triệu đồng. Biên độ mua bán 80.000 đồng. Giá bán sỉ cũng được đơn vị nâng lên 40,86-40,91 triệu đồng.
Khi giá vàng vọt lên sát mốc 41 triệu đồng một lượng vào trưa nay, giao dịch ngoài thị trường nhỏ lẻ cũng như tại các doanh nghiệp lớn trên địa bàn TP HCM gần như ngưng trệ.
![]() |
Các hiệu vàng khá vắng khách khi giá liên tục tăng nhanh và mạnh. Ảnh chụp tại một hiệu vàng gần chợ Tân Định, quận 1 lúc 11h trưa nay. Ảnh: Lệ Chi |
Chủ hiệu vàng trên đường Hai Bà Trưng, gần chợ Tân Định, quận 1 cho biết, trong buổi sáng, cửa hàng chị chỉ sôi động về giá, còn giao dịch gần như dậm chân tại chỗ. "Mở cửa ngày tới giờ, chẳng có khách nào đến giao dịch", chủ hiệu nói.
Tình cảnh vắng vẻ khách cũng diễn ra tại các hiệu kim hoàn quanh chợ Bến Thành, quận 1, chợ An Đông, quận 5..."Cả buổi sáng, ngồi chờ khách đỏ mắt nhưng chỉ lác đác một vài người đến mua bán vàng nữ trang", bà chủ than thở.
Ngay cả hiệu vàng Mi Hồng, thường ngày vốn rất nhộn nhịp khách mua bán vàng, nhưng lúc 11h trưa nay, theo ghi nhận của VnExpress.net, khi giá đạt đỉnh, cũng có khách hàng đến mua bán nhưng không nhiều. Và chủ yếu là lượng khách hàng đến bán giao dịch vàng nhẫn trơn.
Tình hình giao dịch ảm đảm cũng diễn ra tại các doanh nghiệp, Tổng cồn ty lớn như Sacombak-SBJ, Phú Nhuận PNJ hay Sài Gòn SJC. Theo bà Nguyễn Thị Cúc, Phó tổng giám đốc PNJ, trong buổi sáng nay, khi giá vàng bật tăng nhanh và mạnh, giao dịch đã trầm lắng hẳn. Toàn hệ thống, trong buổi sáng chỉ mua bán chưa tới 600 lượng, con số giao dịch thấp nhất kể từ khi giá vàng biến động mạnh.
Bà Cúc cho rằng, có thể do chứng kiến sự tăng giá quá nhanh và mạnh của vàng, những người nắm giữ kim loại quý lúc này chưa ai muốn bán ra vì nghĩ rằng giá chắc chắn còn lên nữa. Trong khi đó, với mức giá này, ngoại trừ một số mua cắt lỗ hoặc kỳ vọng lên thì mới dám thu gom.
Chung nhận định, ông Nguyễn Công Tường, Phó trưởng phòng kinh doanh Công ty vàng bạc đá quý Sài Gòn SJC cho biết, giao dịch trong buổi sáng nay khá chậm. Tuy nhiên, theo ông Tường, trong lúc giá vàng tăng cao, xu hướng khách mua vàng vào đang áp đảo bán ra, dù số lượng vẫn còn hạn chế (tỷ lệ khách mua vào 60, còn bán ra khoảng 40). Và đối tượng này chủ yếu là các nhà đầu tư lớn như các hiệu vàng, ngân hàng... chứ không phải là người dân nhỏ lẻ. "Mục đích của việc mua này mình không thể biết", ông Tường nói.
Tại khu vực Hà Nội và các tỉnh phía Bắc, theo ghi nhận của bà Trần Như My, Giám đốc kinh doanh Tập đoàn vàng bạc đá quý DOJI, lượng khách hàng đi mua vàng cũng chiếm áp đảo, có tới 90% mua vào, trong khi chưa tới 10% bán ra. Nhưng ngược lại với TP HCM, lượng khách đi mua vàng tại tập đoàn này chủ yếu là khách hàng nhỏ lẻ. Tổng lượng giao dịch trong buổi sáng của DOJI đạt khoảng 2.000 lượng.
Bà My cho rằng, giá vàng trong nước hiện nay bám khá sát thế giới, mà khả năng giá quốc tế vượt 1.700 USD là điều sớm xảy ra. Do đó, có thể nhiều người kỳ vọng giá lên nên đi mua vàng. Ngoài ra, theo bà My, biên độ mua bán hiện nay khá hẹp. Đây cũng là một yếu tố kích thích người dân mua vào.
Trên thị trường thế giới, đến 12h (giờ Hà Nội), mỗi ounce vàng đang giao dịch quanh 1.658 USD và vẫn đang tiếp tục hướng lên.
Lệ Chi