Theo khảo sát của VnExpress tại một số chợ dân sinh và chợ tạm sáng nay (23/7), giá trứng gia cầm có xu hướng tăng lên sau khi Hà Nội nâng cấp độ chống dịch.
Giá trứng gà ta ở mức 40.000-45.000 đồng một chục, tăng 500-1.000 đồng so với tuần trước. Tương tự, trứng gà công nghiệp dao động 30.000-35.000 đồng một chục, tăng 5.000 đồng, trứng vịt 35.000-38.000 đồng một chục, tăng 5.000-8.000 đồng.
Theo giải thích của các tiểu thương tại một chợ ở phố Hoàng Quốc Việt, họ phải tăng giá bán lẻ do giá nhập trứng từ chợ đầu mối cao hơn. So với đầu tháng, nguồn cung trứng cũng ít hơn nên các tiểu thương cho biết không nhập được nhiều hàng.
Tại một số chợ tạm ở khu vực Hà Đông, giá trứng gà cũng lên 35.000-37.000 đồng một chục, trong khi tuần trước chỉ khoảng 30.000 đồng.
Trong khi đó, một số mặt hàng khác như thịt lợn, thịt bò, rau vẫn giữ giá. Chia sẻ với VnExpress, bà Trần Thị Phương Lan - quyền Giám đốc Sở Công Thương Hà Nội cho biết, hiện hàng hoá cung ứng cho Hà Nội vẫn dồi dào, đủ cho nhu cầu của người dân.
"Một số mặt hàng như trứng gia cầm có tăng nhẹ, do nguồn cung sản xuất ở khu vực phía Bắc đang san sẻ hàng cho phía Nam. Tuy nhiên, tình hình không đáng lo ngại", bà Lan nói.
Hiện tại, các hệ thống siêu thị vẫn bình ổn giá bán. Tại Aeon Việt Nam, các mặt hàng trứng gia cầm, nhất là trứng gà đã được siêu thị tăng lượng hàng dự trữ lên gấp đôi và cũng mở rộng nhà cung cấp. Siêu thị đồng thời giới hạn số lượng trứng mà khách được mua tối đa 2 vỉ một người một ngày, tránh gom hàng và hết hàng cục bộ.
Bà Nguyễn Thị Bích Vân, Giám đốc truyền thông Tập đoàn Central Retail tại Việt Nam cũng thông tin, hệ thống này bắt đầu nhận được các đề nghị tăng giá từ phía nhà cung cấp thực phẩm mặt hàng tươi sống.
Tuy nhiên, Central Retail (chủ sở hữu các chuỗi siêu thị lớn BigC, Go!, Top Market...) đang đàm phán để giữ giá bán. Song song với đàm phán với phía nhà cung cấp, hệ thống phân phối này cũng tìm thêm nhà cung cấp mới để đa dạng nguồn, không bị phụ thuộc vào một số nhà cung cấp, nhằm "giữ giá ổn định nhất có thể".
Với mặt hàng tiêu dùng nhanh, bà Vân cho biết, Central Retail cũng nhận được đề nghị tăng giá của vài nhà cung ứng do giá nguyên liệu đầu vào tăng, nhưng siêu thị cũng chưa điều chỉnh hợp đồng tăng giá thời điểm dịch bệnh hiện nay.
Các hệ thống siêu thị ngoài Hà Nội cho biết, họ đã tăng dự trữ 100-200% hàng hoá thiết yếu (thực phẩm tươi sống, hàng tiêu dùng nhanh...) để phục vụ nhu cầu người dân tăng cao mùa dịch bệnh.
Anh Tú - Anh Minh - Đức Minh