Đây là một trong những nội dung của Thông tư 06 vừa được Bộ Y tế ban hành, sửa đổi, bổ sung một số điều của Thông tư 15/2019 về đấu thầu thuốc tại các cơ sở y tế công lập. Thông tư mới có hiệu lực từ ngày 27/4, trước bối cảnh các bệnh viện "kêu cứu" thiếu thốn thuốc, vật tư y tế do gặp khó trong mua sắm, đấu thầu.
Hiện, có 3 hình thức đấu thầu mua sắm y tế là cấp quốc gia, cấp địa phương và bệnh viện. Theo quy trình, để có thuốc, vật tư, trang thiết bị y tế, các bệnh viện công phải mua sắm thông qua đấu thầu gồm 4 bước: phê duyệt chủ trương và lập dự toán, lên kế hoạch, thẩm định giá, tổ chức đấu thầu lựa chọn nhà thầu.
Để có cơ sở xây dựng đơn giá, bệnh viện phải tham khảo giá trúng thầu trong vòng 12 tháng trước do Bộ Y tế công bố trên trang thông tin điện tử. Trong đó, giá trúng thầu được tham khảo phải theo nguyên tắc giá kế hoạch không được cao hơn giá trúng thầu cao nhất của thuốc đã được công bố (còn gọi là giá trần).
Nếu giá trúng thầu chưa được Bộ Y tế công bố, bệnh viện phải tham khảo báo giá của ít nhất 3 đơn vị cung cấp trên thị trường tại thời điểm lập kế hoạch lựa chọn nhà thầu.
Quy định này gây khó khăn cho các bệnh viện. Theo lãnh đạo các bệnh viện, nếu cứ lấy bằng hoặc thấp hơn giá trúng thầu trong vòng 12 tháng đổ lại, thì mặc nhiên giá năm sau phải thấp hơn giá năm trước. Đến một thời điểm nào đó giá của hàng hóa sẽ về 0, ngược với quy luật thị trường là giá năm sau thường sẽ cao hơn năm trước và doanh nghiệp kinh doanh phải có lợi nhuận. Điều này dẫn đến các doanh nghiệp không muốn tham gia thầu. Đây là một trong những vướng mắc khiến nhiều bệnh viện thiếu thuốc điều trị thời gian qua.
Với thông tư mới, Bộ Y tế sửa đổi quy định về giá gói thầu, bỏ các quy định này. Theo đó, khi lập kế hoạch chọn nhà thầu, đơn vị chỉ cần tham khảo giá thuốc trúng thầu của các cơ sở y tế hoặc trúng thầu tập trung cấp địa phương trong vòng 12 tháng trước hoặc trúng thầu tập trung cấp quốc gia, đàm phán giá còn hiệu lực của thỏa thuận khung được công bố trên trang thông tin của Bộ Y tế.
Đối với vấn đề 3 báo giá, Thông tư 06 vẫn quy định tham khảo 3 báo giá khác nhau tại thời điểm lập kế hoạch lựa chọn nhà thầu. Tuy nhiên, trường hợp thuốc không đủ 3 báo giá, người đứng đầu đơn vị căn cứ vào ít nhất một báo giá, giải trình, chịu trách nhiệm về giá kế hoạch đề xuất và bảo đảm không vượt giá bán buôn kê khai, kê khai lại còn hiệu lực của thuốc đã tham khảo.
Như vậy, với quy định mới, từ ngày 26/4, các bệnh viện chỉ cần tham khảo một, hoặc tối đa ba báo giá của các nhà cung cấp khác chứ không bắt buộc tuân theo nguyên tắc giá trúng thầu cao nhất từng công bố trước đó.
Chiều 17/3, Bộ Y tế cũng đánh giá những khó khăn trong đấu thầu mua sắm thuốc đã được tháo gỡ nhờ những giải pháp đồng bộ của Chính phủ và các bộ ngành. Sau khi được gỡ những "nút thắt" về đấu thầu, mua sắm thuốc, trang thiết bị, vật tư y tế, nhiều bệnh viện đã trở lại hoạt động bình thường.
GS.TS Trần Bình Giang, Giám đốc Bệnh viện Việt Đức, cho biết sau hai tuần gián đoạn các ca mổ phiên, chỉ ưu tiên ca cấp cứu do thiếu vật tư, hóa chất, bệnh viện đã phẫu thuật trở lại bình thường. "Bệnh viện cũng đã gỡ được nhiều 'nút thắt', giải quyết được các vấn đề mua sắm, đấu thầu trang thiết bị, đang đẩy nhanh tiến độ đấu thầu, mua sắm trang thiết bị y tế, vật tư, hóa chất", ông Giang nói.
Còn PGS. Đào Xuân Cơ, Giám đốc Bệnh viện Bạch Mai, cũng cho rằng các quy định mới đã giải quyết được những vấn đề cấp bách của bệnh viện trong bảo đảm thuốc, trang thiết bị y tế.
Hai tháng qua, nhiều bệnh viện gặp khủng hoảng vì vướng mắc quy định mua sắm vật tư, cơ sở y tế đầu ngành ngoại khoa như Việt Đức phải hạn chế phẫu thuật, các bệnh viện Chợ Rẫy, Bạch Mai phải gửi bệnh nhân đến nơi khác để xét nghiệm, chụp chiếu chẩn đoán hình ảnh. Để tháo gỡ, trong hai ngày 3-4/3, Chính phủ liên tiếp ban hành Nghị định 07 và Nghị quyết 30 (có hiệu lực thi hành ngay) cho phép bệnh viện thí điểm một số cơ chế mới mua sắm. Nhờ đó, hầu hết đơn vị tuyến cuối như Bạch Mai, Việt Đức, Chợ Rẫy đã trở lại hoạt động bình thường, đáp ứng nhu cầu người bệnh.
Lê Nga