15 năm sau, người Triều Tiên lại liên lạc với ông một lần nữa. Lần này, sự việc còn nguy cấp hơn. Họ đã đưa ông Roux sang Bình Nhưỡng và chuyện này được giữ bí mật đến mức bản thân vị bác sĩ cũng không biết bệnh nhân của mình là ai cho đến khi ông nhìn thấy ông Kim Jong-il ốm yếu đang nằm trong phòng chăm sóc đặc biệt, vây quanh là các bác sĩ.
"Họ rõ ràng rất lo lắng trước tình hình lúc đó, có thể vì thế mà họ mời một bác sĩ nước ngoài, vì tôi có thể hỏi han ông Kim Jong-il hay khuyên ông ấy nên làm gì", ông Roux kể với Reuters. Cũng vào lần đó, Roux gặp Kim Jong-un và thấy chàng trai trẻ đang rất lo lắng trước tình hình sức khỏe ngày càng yếu đi của cha mình.
Truyền thông Triều Tiên tháng trước lần đầu tiên thừa nhận rằng Jong-un, người lên nắm quyền lãnh đạo Triều Tiên sau khi ông Jong-il qua đời năm 2011, đang gặp vấn đề về sức khỏe, làm dấy lên những đồn đoán về bệnh tình của ông.
Kim, 30 hoặc 31 tuổi, đã không xuất hiện trên các kênh truyền thông nhà nước kể từ sau khi đi xem một buổi hòa nhạc cùng vợ ngày 3/9. Những hình ảnh tại một sự kiện diễn ra hồi tháng 7 cho thấy ông bước đi tập tễnh.
Thời gian Roux ở lại Bình Nhưỡng chữa bệnh cho ông Kim Jong-il đã giúp bác sĩ này có được những cơ hội hiếm hoi để tiếp cận những cơ sở y tế dành cho gia tộc họ Kim.
"Các bác sĩ địa phương khá giỏi, và những cuộc thảo luận của tôi với họ chính xác y như lúc tôi nói chuyện với các bác sĩ châu Âu. Trình độ y học của họ cũng như tôi", ông cho biết. "Họ hầu như có đủ mọi thứ và có cơ sở hạ tầng tốt".
'Truyền dịch bằng chai bia'
Người dân Triều Tiên thông thường được miễn phí chăm sóc sức khỏe, nhưng khó khăn kinh tế hàng chục năm qua, cộng với việc thiếu nguồn cung ứng cơ bản, khiến chỉ những người có tiền mới mua được thuốc ở chợ đen.
"Điều kiện ở đó khá đơn sơ, thậm chí lạc hậu. Có nhân lực nhưng rất ít trang thiết bị. Chúng tôi nhìn thấy những chai bia được tái sử dụng làm bình truyền dịch", James Hoare, một nhà ngoại giao Anh, người từng đến thăm các bệnh viện ở vùng nông thôn Triều Tiên đầu những năm 2000, kể.
Những báo cáo gần đây cho thấy điều kiện y tế tại Triều Tiên đã được cải thiện nhưng không đáng kể. Tuy nhiên, với các lãnh đạo, chi phí chữa bệnh không thành vấn đề.
Trong những năm cuối đời, ông Kim Jong-il thường xuyên được kiểm tra sức khỏe tại bệnh viện Ponghwa ở trung tâm Bình Nhưỡng. Là một công trình hiện đại, có quy mô lớn, được bao quanh bởi các tán cây dày và có bãi đáp trực thăng riêng, Ponghwa đã trải qua nhiều lần đại tu trong suốt những năm sau khi ông Kim Jong-il bị đột quỵ.
"Nếu Kim Jong-un được khuyến cáo tránh tham gia các sự kiện quốc gia theo yêu cầu của bác sĩ, ông ấy có thể đang được chăm sóc tại bệnh viện Ponghwa", Michael Madden, một chuyên gia về lãnh đạo Triều Tiên, nói.
Nằm khuất bên những con đường và con kênh nhỏ chạy dọc bên hông, Ponghwa là bệnh viện chỉ dành riêng cho giới lãnh đạo Bình Nhưỡng và gia đình của họ.
Nó cũng được quân đội canh gác chặt chẽ và từng bị nghi ngờ liên quan đến chương trình vũ khí hạt nhân của Triều Tiên. Năm 2006, cảnh sát Tokyo từng bắt giữ một người Triều Tiên xuất khẩu đồ khô đông lạnh đến bệnh viện này. Các nhà điều tra nghi ngờ số hàng này được sử dụng để sản xuất vũ khí sinh học.
Các khu phức hợp của gia tộc họ Kim, gồm những biệt thự nguy nga với du thuyền, motor nước và ngựa thuần chủng, cũng được trang bị các trung tâm y tế chuyên biệt và cũng là một trong những nơi từng giúp ông Kim Jong-il hồi phục sau cơn đột quỵ.
Curtis Melvin, trường Nghiên cứu Quốc tế Johns Hopkins, nhận định rằng Jong-un có thể cũng đang "dưỡng thương" tại một trong các tòa nhà.
"Trong hình ảnh được truyền thông Triều Tiên công bố, Jong-un từng nghỉ ngơi khá lâu tại các biệt thự gia đình ở Kangdong và Wonsan. Mỗi tòa nhà đều có hạ tầng y tế phù hợp và có khả năng hỗ trợ cho ông ấy", Melvin nói thêm.
'Trẻ và gầy'
Giống như cha mình, Kim thường xuyên có các chuyến thị sát khắp cả nước với một đội ngũ tùy tùng gồm các bác sĩ và y tá, theo ông Madden. Các chuyến đi được truyền thông quốc gia ghi hình và đưa tin rất kỹ lưỡng, nhưng suốt một tháng qua, các chuyến thị sát của Jong-un không còn xuất hiện trên báo chí.
Đây không phải là lần đầu tiên Jong-un "mất tích" trước công chúng. Vào tháng 6/2012, 6 tháng sau khi lên nắm quyền, truyền thông Triều Tiên đã không đưa tin hay đăng ảnh gì về ông trong 23 ngày. Jong-un tái xuất vào tháng sau đó.
Roux, người không biết tại sao ông lại được Triều Tiên chọn lựa, từ chối hé lộ chi tiết về quá trình điều trị bệnh cho ông Jong-il hay số tiền ông được trả. Tuy nhiên, ông nhận thấy có một số thay đổi ở Jong-un kể từ khi ông gặp nhà lãnh đạo trẻ năm 2008.
"Khi tôi gặp cậu ấy, cậu ấy vẫn còn là một thanh niên trẻ, với những cảm xúc thường thấy khi lo lắng cho người cha đang bị bệnh. Cậu ấy dường như rất lo sợ về bệnh tình cha. Cậu ấy rất tách biệt, không thể hiện mình là một lãnh đạo lớn", ông Roux nhớ lại.
"Về mặt thể chất mà nói, cậu ấy trông không giống như bây giờ. Hồi đó cậu ấy là một thanh niên trẻ và gầy".
Anh Ngọc (theo Reuters)