Giá nhiều mặt hàng hãm phanh sau những biện pháp kiềm chế lạm phát của Chính phủ, giúp kéo lùi tốc độ tăng giá tiêu dùng của TP HCM. Nếu tháng 10 so với tháng 9, CPI vơi 0,24% thì tốc độ hãm phanh của tháng 11 so với tháng trước còn mạnh hơn, với 0,69%. Dù tiếp tục giảm, nhưng nếu so với cùng kỳ năm 2007, CPI toàn thành phố đã leo đến 23,16%.
Phục vụ nhu cầu Noel, dịp Tết sắp đến, giá một số loại bia, thuốc lá tăng lên, cộng với sự leo thang của hàng ăn ngoài (cơm phần, cơm văn phòng) đã khiến nhóm đồ uống và thuốc lá vươn lên vị trí "quán quân" tháng 11, với mức tăng 4,06%. Đây là mức tăng cao nhất của nhóm này kể từ đầu năm đến nay. Qua 11 tháng, đồ uống và thuốc lá đội lên 12,96%.
Bất lợi từ thời tiết cộng với lượng cung ứng cho miền Bắc khiến giá hầu hết các loại rau củ quả tháng 11 tăng mạnh. Ảnh: T.A. |
Cùng nhích thêm 1% so với tháng 10 có nhóm may mặc, mũ nón, giày dép (1,69%), thiết bị và đồ dùng gia đình (1,02%). Trong đó, đáng chú ý là sự lội ngược dòng tăng giá trở lại của hàng thực phẩm khi cao thêm 1,48% sau 2 tháng tạm lùi về mức âm. Nguyên nhân do giá rau củ TP HCM tăng vùn vụt kể từ đầu tháng 11 do mưa nhiều, rau dễ bị hư dập, đồng thời một lượng lớn hàng được chuyển ra cứu trợ miền Bắc. So với cùng kỳ năm trước, giá thực phẩm vượt 28%. Riêng lương thực giảm mạnh 8,67% khi giá bán gạo bán lẻ tiếp tục đi xuống.
Trọn kỳ tính CPI tháng 11 (15/10-15/11), giá xăng dầu trong nước được điều chỉnh 5 lần (tổng cộng giảm 3.500 đồng một lít xăng) theo sự lao dốc của giá dầu thế giới. Nhóm giao thông, bưu chính, viễn thông lập tức có sự ảnh hưởng, sụt đến 4,15%. Nhà ở, điện, nước, chất đốt và vật liệu xây dựng "ăn theo" khi vơi 5,66%.
Giá vàng và đôla trong tháng diễn biến trái chiều, trong khi giá kim loại quý sụt tới 5,61% thì giá USD tiến thêm 2,37% do sự điều chỉnh tăng biên độ tỷ giá của ngân hàng Nhà nước.
Bạch Hường