![]() |
Sau bão, tại các chợ, giá rau xanh tăng mạnh. Ảnh: Xuân Ngọc |
Chị Liên, chủ quầy rau tại chợ Quỳnh Mai (Kim Ngưu, Hà Nội) cho biết, không chỉ tăng giá ở các loại củ như khoai tây, bí xanh, bí đỏ, nhiều loại rau không để được lâu như muống, dền, mồng tơi, ngót cũng đắt hơn trước.
“Mấy hôm gần bão, chỉ các loại củ quả mới đắt lên, nhưng giờ đến rau muống, cải... cũng đắt gấp rưỡi, có loại gấp đôi rồi”, chị Liên nói.
So với thị trường những ngày bão, các loại củ, quả vẫn giữ mức giá cao, như mỗi cân bí xanh là 12.000 đồng, khoai tây là 10.000 đồng... Song những loại rau xanh, thân mềm vốn chỉ tăng 500 đồng mỗi mớ trước hôm bão thì nay đã tăng tới 50%, thậm chí gấp đôi, gấp ba. Cụ thể, mỗi mớ rau muống tăng từ 5.000 lên 8.000 đồng; mồng tơi, rau đay, ngót tăng từ 1.500 đồng lên 5.000 đồng.
Nguyên nhân đẩy giá đắt lên đột ngột tại các chợ những ngày này là do mưa bão, nguồn cung bị hạn chế và chi phí vận chuyển tăng cao. Theo những người bán, ruộng vườn ngập úng, rau nát, số lượng thu hoạch được để bán giảm đi một nửa nên chuyện giá tăng lên được xem là tất yếu. Cô My, một tiểu thương tại chợ Nguyễn Công Trứ cho biết, phần vì hàng về ít hơn, chỉ bằng 70% so với ngày thường; phần lại do chi phí đầu vào tăng lên nên giá bán ra cao hơn.
Cô My cho biết thêm, giá rau đắt còn do những người bán đều có tâm lý trừ hao. "Nếu ngày nắng, nhập 10 cân, về cũng phải bán được 9,9 cân. Nhưng mưa gió thế này, vận chuyển về đến nơi phải hao hụt, dập nát 10% nên người bán cũng phải bán đắt hơn một chút để bù vào", cô lý giải.
Tuy nhiên, trong các chợ đầu mối, giá thực phẩm đã có dấu hiệu giảm. Trước những hôm mưa bão, giá rau xanh tại đây bị đẩy lên từ 2.000 đến 5.000 đồng tùy mặt hàng. Song, đến ngày hôm nay, mức giá đã giảm 1.000-3.000 đồng. Tuy chưa rẻ được như mức bán cũ song đây được xem là tín hiệu để giá rau củ quả trở lại ổn định.
Một người kinh doanh rau xanh ở chợ đầu mối phía Nam (Hoàng Mai, Hà Nội) cho hay, sát ngày bão, khách mua buôn, người mua lẻ về lấy hàng rất đông. Đó cũng là một trong những lý do khiến giá trong mấy hôm giáp bão tăng mạnh. "Nhưng đến hôm nay, giá bắt đầu xuống, chắc một hai bữa nữa, mưa tạnh hẳn sẽ lại bình thường", chị này cho biết.
Chịu giá đắt hơn thường ngày nhưng đa phần các bà nội trợ đều không tỏ ra bất ngờ hay bức xúc. Họ đã quen với thông lệ giá thực phẩm trên thị trường đắt lên cao sau mỗi đợt bão. Chị Hoa (Dốc Thọ Lão, Lò Đúc, Hà Nội) tâm sự, đợt nào chả vậy, cứ bão mà biết đi chợ tốn tiền hơn. Điều chị hy vọng là một vài ngày nữa, giá thức ăn sẽ trở lại bình thường chứ người bán sẽ không vin vào cớ này để tiếp tục leo thang giá cả.
![]() |
Thực phẩm trong siêu thị những ngày bão vẫn dồi dào. Số lượng khách đến siêu thị những ngày này cũng đông hơn. Ảnh: Xuân Ngọc |
Nhiều loại thịt vẫn giữ mức cao. Tại nhiều chợ, giá thịt lợn dao động từ 110.000 đến 140.000 đồng mỗi cân. Trong chợ Mơ (Hai Bà Trưng, Hà Nội), thịt thăn giá 140.000 đồng, thịt ba chỉ từ 110.000 đến 120.000 đồng, thịt mông là 130.000 đồng. Giá thịt bò hiện nay khoảng 140.000-190.000 đồng tùy theo bò gân hay bắp. Gà ta, gà mía, ngan, vịt làm rồi vẫn giữ mức bán từ 65.000 đến 90.000 đồng một cân...
Trong khi giá thực phẩm tại các chợ tăng mạnh thì trong siêu thị, đa phần những mặt hàng thiết yếu vẫn giữ giá ổn định. Cụ thể, rau muống, mồng tơi túi 350 gram giá 4.500 đồng; mỗi kg cải bắp giá 9.500 đồng, bí xanh là 10.000 đồng...Mức giá này rẻ hơn thị trường bên ngoài từ một nghìn đến 3.000 đồng đối với sản phẩm cùng loại.
Bà Vũ Thị Hậu, Phó Tổng giám đốc công ty cổ phần Nhất Nam sở hữu chuỗi siêu thị Fivimart khẳng định giá thực phẩm trong siêu thị không tăng. Theo bà Hậu, vì siêu thị đã có nguồn hàng cố định nên không bị ảnh hưởng trực tiếp của mưa bão như chợ lẻ. Vị Phó Tổng giám đốc này cũng cho hay, những ngày bão vừa qua, số lượng khách mua hàng cũng có tăng lên đôi chút và tập trung chủ yếu nhất vào những mặt hàng thiết yếu.
Chủ tịch Hiệp hội siêu thị Hà Nội, ông Vũ Vinh Phú lại cho rằng tuy giá trong siêu thị không vì bão mà tăng đột biến nhưng cũng đứng ở mặt bằng giá cao. Theo ông, bão chỉ ảnh hưởng đến rau xanh còn nguyên nhân cốt lõi khiến thực phẩm đắt là bởi những người lái buôn gom hàng, đầu cơ.
"Nói bà con tiểu thương đẩy giá là không đúng. Họ cũng muốn mua rẻ, bán rẻ lắm chứ. Đẩy giá là do lái buôn gom hàng thao túng thị trường. Vì vậy, muốn kiểm soát giá, cốt lõi phải quản lý được những kẻ đầu cơ", ông Phú nói.
Xuân Ngọc