Ông David Bennett, 57 tuổi, là người đầu tiên trên thế giới được ghép tim lợn. Ca phẫu thuật diễn ra hồi tháng 1 tại Trung tâm Y tế Đại học Maryland ở Baltimore, từng là niềm hy vọng của giới chuyên gia và các nhà khoa học. Tuy nhiên, hai tháng sau, bệnh nhân qua đời.
Đến nay, còn nhiều câu hỏi bỏ ngỏ về mặt khoa học liên quan đến ca tử vong. Các bác sĩ không thể giải thích hoàn chỉnh nguyên nhân khiến ông Bennett qua đời dù bệnh nhân đã dần hồi phục.
Nghiên cứu công bố trên Tạp chí Y khoa New England hôm 22/6 cho rằng bệnh nhân tử vong do suy tim. Tuy nhiên, các nhà khoa học không thể xác định lý do tim lợn trong cơ thể ông Bennett dày lên và mất khả năng bơm máu sau 7 tuần. Muhammad M. Mohiuddin, giáo sư phẫu thuật tại Đại học Y khoa Maryland, cho hay đây vẫn còn là điều "bí ẩn".
Theo các nhà nghiên cứu, yếu tố khác dẫn đến cái chết là việc ông Bennett tạm ngừng sử dụng một loại thuốc ức chế miễn dịch. Thuốc giúp ngăn chặn tình trạng thải ghép sau phẫu thuật. Đây là hiện tượng hệ miễn dịch của người cấy ghép từ chối, tấn công và phá hủy cơ quan hoặc mô được cấy ghép. Khi ông Bennett ngưng uống thuốc, số lượng bạch cầu giảm mạnh, trái tim dễ bị hệ miễn dịch đào thải khỏi cơ thể hơn.
Giả thuyết khác có thể xảy ra là quả tim lợn ghép cho ông Bennett nhiễm một loại virus động vật có tên cytomegalo lợn (CMV), được phát hiện khoảng 20 ngày trước phẫu thuật. Theo các chuyên gia, hiện chưa có bằng chứng cho thấy virus trong tim lây nhiễm cho bệnh nhân, nhưng sự hiện diện của nó có thể gây viêm, góp phần tạo ra hàng loạt biến chứng dẫn đến cái chết.
Nghiên cứu trước đây về ca cấy ghép nội tạng lợn vào khỉ đầu chó cho thấy tỷ lệ sống sót của động vật được ghép tạng khác loài có thể thấp hơn nếu có sự xuất hiện của virus cytomegalo lợn.
Nhiều thập kỷ, các chuyên gia đã cố gắng hiện thực hóa ý tưởng ghép tạng khác loài, còn gọi là xenotransplant. Trong đó, lợn trở thành nguồn nội tạng đầy hứa hẹn bởi khả năng sinh sản dồi dào, nhiều lứa một năm, kích thước tương tự con người. Sau ca tử vong của ông Bennett, câu hỏi đặt ra là có nên tiếp tục thử nghiệm hình thức cấy ghép này hay không.
Theo các nhà khoa học, cơ thể ông Bennett không từ chối trái tim ngay. Ông đã sống sót hai tháng sau ca phẫu thuật. Điều này cho thấy việc tiếp tục thử nghiệm lâm sàng là hợp lý.
"Nên coi cuộc sống ngắn ngủi của ông Bennett là lý do để đẩy nhanh thử nghiệm, thay vì thấy cái chết của ông và chùn bước. Câu hỏi còn lại của lĩnh vực này là nội tạng lợn có thể trở thành nguồn cung cấy ghép hỗ trợ sự sống của con người không. Câu trả lời là có", Allan Kirk, chủ nhiệm khoa phẫu thuật tại Trường Y Đại học Duke, nhận định.
Những tiến bộ gần đây trong chỉnh sửa gene làm dấy lên hy vọng lợn có thể trở thành nguồn cung nội tạng dồi dào cho người.
Trái tim cung cấp cho ông Bennett đã được chỉnh sửa gene 10 lần để tương thích với cơ thể bệnh nhân. Các nhà khoa học cũng đã xét nghiệm virus cytomegalo lợn và các mầm bệnh khác trước khi làm phẫu thuật. Vào thời điểm đó, họ cho rằng quá trình kiểm tra như vậy là đủ. Tuy nhiên, trong tương lai, giới chuyên gia dự kiến sử dụng các xét nghiệm nhạy cảm hơn để tránh các sự cố đáng tiếc.
Người phát ngôn Cục Quản lý Thực phẩm và Dược phẩm (FDA) cho biết cơ quan đang xem xét kết quả nghiên cứu. FDA sẽ đánh giá việc áp dụng xenotransplant vào thực tiễn trên cơ sở từng trường hợp cụ thể.
Các nhà nghiên cứu của Đại học Maryland và Revivicor, cũng như công ty đã cung cấp tim lợn cho ông Bennett hy vọng được gặp FDA vào mùa hè này để thảo luận về khả năng thử nghiệm lâm sàng.
Các nhà nghiên cứu tại Đại học Alabama ở Birmingham cũng đang đệ đơn yêu cầu thử nghiệm các ca ghép tạng khác loài tương tự. Đầu năm nay, chuyên gia tại đại học này đã cấy ghép thành công cặp thận lợn vào cơ thể một người đã chết não.
Cuối tháng 6, FDA sẽ tổ chức phiên điều trần về vấn đề cấy ghép xenotransplant. Tiến sĩ Kirk cho biết ông sẽ tham dự cuộc họp để hối thúc cơ quan cho phép tiến hành thử nghiệm trên cơ sở dữ liệu từ những năm gần đây, bao gồm trường hợp của ông Bennett.
Hiện hơn 100.000 bệnh nhân Mỹ đang nằm trong danh sách chờ ghép tim, thận và các cơ quan nội tạng khác, theo Mạng lưới Ghép tạng Quốc gia. Khoảng 6.000 người tử vong mỗi năm trong quá trình chờ đợi.
Thục Linh (Theo WSJ)