"Tại sao phải sản xuất hàng loạt xe tăng T-14 Armata trong khi nhu cầu đối với tăng T-72 vẫn đang rất lớn trên thị trường. Tăng T-72 hiện có trong biên chế hàng chục quốc gia trên thế giới và bỏ xa các mẫu tăng nước ngoài như M1 Abrams của Mỹ, Leclerc của Pháp hay Leopard của Đức về giá cả, hiệu quả cũng như chất lượng", RT ngày 30/7 dẫn tuyên bố của Phó thủ tướng Nga Yuri Borisov.
Theo ông Borisov, giá thành dòng xe tăng tối tân Armata hiện ở mức quá cao, khiến quân đội Nga phải cân nhắc các giải pháp thay thế rẻ hơn, bao gồm phiên bản cải tiến của mẫu xe tăng T-72. Mỗi chiếc Armata có giá khoảng 3,7 triệu USD, trong khi Syria vào năm 2006 mua 1.000 chiếc T-72 với giá khoảng 900.000 USD mỗi chiếc. Chi phí để nâng cấp mẫu T-72 cơ bản lên cấu hình T-72M1 là khoảng 500.000 USD.
Phó thủ tướng Nga giải thích rằng việc hiện đại hóa kho vũ khí của Nga cần phải được thực hiện một cách tiết kiệm và hợp lý, bởi ngân sách quốc phòng nước này chỉ bằng 1/10 so với NATO.
Nga bắt đầu dự án chế tạo xe tăng chiến đấu chủ lực (MBT) thế hệ mới T-14 Armata từ năm 2011, phiên bản thử nghiệm được trình làng năm 2014.
T-14 Armata được đánh giá là mẫu xe tăng mang tính đột phá của Nga, sở hữu hỏa lực mạnh với pháo nòng trơn 2A82-1M 125 mm trên tháp pháo không người lái, cùng nhiều công nghệ vượt trội so với các đối thủ phương Tây.
Bộ Quốc phòng Nga ban đầu lên kế hoạch đặt hàng khoảng 2.300 chiếc T-14 Armata, trong đó 100 chiếc được bàn giao trước năm 2020. Tuy nhiên, đến nay mới chỉ có khoảng 15 chiếc xuất xưởng để thử nghiệm và với tuyên bố của Borisov, kế hoạch mua sắm quy mô lớn này nhiều khả năng sẽ bị Nga gác lại.
Tuyên bố được đưa ra trong bối cảnh Nga cũng vừa khẳng định sẽ không đưa vào sản xuất hàng loạt tiêm kích tàng hình thế hệ 5 Su-57, mẫu chiến đấu cơ được Moskva kỳ vọng là sẽ cạnh tranh với các đối thủ như F-22, F-35 của Mỹ hay J-20 của Trung Quốc. Thay vì đặt mua số lượng lớn Su-57 đắt đỏ, Nga sẽ tập trung nâng cấp các chiến đấu cơ thế hệ 4 đang có trong biên chế.