Đây là 2 công ty sữa đi sau các nhà sản xuất sữa khác trong đợt tăng giá tháng 6.
Hancofood đã tăng 5% giá bán từ tháng 2, nhưng theo Chủ tịch Hội đồng quản trị Lê Viết Hà, sức ép nguyên liệu hiện nay buộc hãng phải tiếp tục điều chỉnh lên thêm 5% nữa nếu không muốn bị lỗ. Hiện giá nguyên liệu sữa nhập khẩu nước ngoài đã ở mức 5.500-5.600 USD/tấn, trong khi hồi đầu năm mới mua 2.500 USD/tấn.
Giám đốc Công ty Nutifood Nguyễn Thị Lan Hương cho biết, đang lập kế hoạch tăng giá bán các loại sản phẩm theo lộ trình. Đến giờ này, hãng cũng chưa thống nhất được mức tăng cụ thể cho hơn 30 dòng sản phẩm hiện hữu, song chắc chắn phải điều chỉnh cho phù hợp với tốc độ tăng phi mã của giá nguyên liệu thế giới.
![]() |
Sữa sắp có đợt tăng giá mới. Ảnh: Tuổi Trẻ |
Mới 2 tuần trước, Dutch Lady, Vinamilk đã nâng giá bán nhiều loại sản phẩm lên 3-5%. Tuy nhiên không có nghĩa là các nhà sản xuất này đã an tâm với giá mới, mà còn rục rịch định tiếp tục tăng thêm. Dự báo của giới kinh doanh mặt hàng sức khỏe này là sẽ còn có những đợt điều chỉnh lên giá sữa nữa, từ nay đến cuối năm.
Giám đốc tiếp thị thương mại Công ty Dutch Lady Việt Nam Trần Quốc Huân sáng 29/6 đã đưa ra dự báo giá sữa trong thời gian tới sẽ có những biến động không lường trước được, phụ thuộc vào nguyên liệu trên thế giới. Do đó, nhiều khả năng giá sữa của hãng sẽ còn tiếp tục tăng, chủ yếu ở các sản phẩm bột. Ông Huân cho biết, Dutch Lady đang cân nhắc chuyện tăng giá trong thời gian tới.
Ông Trần Bảo Minh, Phó Tổng giám đốc Công ty Vinamilk cũng khẳng định, dù giá nguyên liệu còn cao đến đâu, nhà sản xuất này sẽ tăng giá bán tối đa lên 10%. Nghĩa là còn khoảng 5% giá nữa để Vinamilk tăng từ nay đến cuối năm, sau khi đã điều chỉnh lên cao nhất 5% vài tuần trước.
Hồi tháng 2, toàn bộ nhãn hiệu sữa có mặt trên thị trường Việt Nam đã được điều chỉnh giá tăng 5, thậm chí đến 10% đối với hàng ngoại. Trong lần tăng giá này, sữa ngoại hầu như án binh bất động. Giới kinh doanh giải thích là do đầu tháng 2 đã nâng quá cao nhờ dự báo trước tình hình khan hiếm nguyên liệu trên thế giới.
Giá nguyên liệu sữa phi mã
Giá nguyên liệu sữa thế giới tăng cao, hạn hán ở Australia và New Zealand, cắt trợ cấp nông nghiệp từ EU, bị đầu cơ và nhu cầu tiêu dùng ngày càng lớn. Đây là 5 nguyên nhân được các nhà sản xuất sữa đưa ra để giải thích lý do điều chỉnh giá lên lần này.
Ông Lê Viết Hà đánh giá, đây là lần đầu tiên trong lịch sử ngành sữa thế giới, giá nguyên liệu tăng nhanh với tốc độ phi mã. Điều bất thường ở chỗ nếu mọi năm nguyên liệu chỉ tăng trong 1 vài tháng rồi giảm, thì năm nay biểu đồ giá chỉ có đi lên mà không có dấu hiệu hạ từ nay đến cuối năm.
![]() |
Con bò Việt Nam đang được các nhà sản xuất sữa tranh nhau vắt. Ảnh: P.A. |
Thậm chí một số nhà cung cấp nguyên liệu nước ngoài đang từ chối cho công ty sữa Việt Nam ký hợp đồng đến 1 năm như trước đây, mà chỉ đồng ý bán hàng trong 3 tháng, trừ những hợp đồng đang thực hiện và khách hàng lớn. Nguyên nhân bởi vì không ai dự đoán được giá nguyên liệu từ nay đến sang năm diễn biến như thế nào.
Sức ép về nguồn nguyên liệu khiến các nhà sản xuất trong nước bắt đầu chạy đua nâng giá thu mua sữa bò tươi, điển hình là Vinamilk và Dutch Lady. Cứ hãng này công bố nâng giá thu mua 1 ngày thì lập tức hôm sau nhà sản xuất kia thông báo tăng trên vài mức. Giá mua từ nông dân của Dutch Lady hiện là 6.400 đồng/lít sữa tươi, còn của Vinamilk là 6.500 đồng/lít.
Song, nhiều chuyên gia ngành cho rằng, so với mức giá liên tục tăng của nguyên liệu thế giới hiện nay, giá thu mua sữa tươi mặc dù đang cao nhất trong lịch sử sữa bò nguyên liệu tươi ở Việt Nam, nhưng vẫn còn lời to cho nhà sản xuất. "Thậm chí nếu công ty sữa nâng giá mua từ nông dân lên 8.000 đồng/lít sữa tươi thì hiện vẫn còn có lời so với nhập nguyên liệu từ nước ngoài", ông Lê Viết Hà nhận định.
Trái với dự đoán của nhiều chuyên gia là vào WTO giá các mặt hàng sữa, thực phẩm, bánh kẹo... sẽ giảm nhờ thuế nhập khẩu thấp, thực tế thị trường cho thấy, "thời tiết giá" của nguồn nguyên liệu nước ngoài vẫn tác động chính đến đời sống giá hàng hóa trong nước.
Phan Anh