Samsung Galaxy Fold có giá khởi điểm 1.980 USD cho bản 4G - mức giá mà hãng Hàn Quốc muốn định vị điện thoại màn hình gập của họ là thiết bị hạng sang, lai giữa smartphone và tablet. Họ chưa công bố giá bản 5G, nhưng Galaxy Fold 5G cũng sẽ được bán từ ngày 26/4 còn Galaxy S10 5G dự kiến lên kệ cuối mùa hè.
Trong khi đó, điện thoại gập Huawei Mate X giá xấp xỉ 2.600 USD - con số vốn chỉ thấy trên những mẫu điện thoại sang trọng bọc da, đính đá, mạ vàng chứ chưa từng được áp dụng trên một chiếc smartphone dùng chất liệu nhựa. Cũng như Samsung, Huawei xếp Mate X vào phân khúc thiết bị lai.
Nhưng ngay cả những điện thoại "dạng thanh", không màn hình dẻo, không có 5G, hiện cũng trở nên đắt đỏ. Khi Apple đưa giá 999 USD cho iPhone X, không ít nhà phân tích cho rằng đây là mức "trên trời" và công ty Mỹ sẽ rất khó thành công với sản phẩm này. Cuối cùng, Apple đã chứng minh được rằng, người tiêu dùng sẵn sàng chi nhiều tiền cho smartphone, miễn là cảm thấy nó xứng đáng.
Tuy nhiên, động thái trên đã mở rộng đường cho các nhà sản xuất Android, kể cả trong phân khúc tầm trung, mạnh dạn tăng giá mà không còn sợ bị chê quá đắt. Galaxy S10 mới được bán trong tháng 3/2019 với giá 900 USD, tăng gần 10% từ mức 850 USD của Galaxy S9. Motorola G7 cũng tăng 20% so với tiền nhiệm G6, từ 249 USD lên 299 USD.
Việc trang bị công nghệ mới như màn hình gập, 5G khiến giá đắt cũng là điều dễ hiểu, nhưng chúng càng trở thành động lực để nhà sản xuất "định giá lại" cho các mẫu điện thoại cao cấp. Dù không tích hợp những công nghệ mới kể trên, điện thoại năm 2019 dự kiến có giá còn cao hơn nữa. Bởi vì, khi so với mức 1.500-2.000 USD cho điện thoại gập hay 5G, smartphone 4G cao cấp nhất với giá 1.000 USD trở nên hợp lý.
Thống kê một số điện thoại từ năm 2016 đến 2019 cho thấy xu hướng giá tăng lên một cách "bền vững".
Theo Ben Wood, nhà phân tích của CCS Insight, chi phí sản xuất và nghiên cứu ngày càng đắt đỏ là một phần nguyên nhân khiến giá smartphone thay đổi. Điện thoại, cũng như các thiết bị điện tử khác, là sự kết hợp của nhiều thành phần linh kiện từ nhiều nhà cung cấp. Nếu giá linh kiện tăng, chắc chắn giá máy cũng cao hơn. Bộ nhớ trong trên điện thoại đã nâng lên mức 1 TB so với mức 8-16 GB của mười năm trước. Cảm biến nhận diện khuôn mặt, hệ thống camera đa ống kính (Nokia 9 PureView có đến 5 camera mặt sau), chất liệu kính và gốm, thiết kế vỏ đổi màu gradient... cũng tác động không nhỏ tới giá máy hàng năm.
Theo LG, những yếu tố ảnh hưởng đến giá có thể kể đến chi phí linh kiện, mức giá của sản phẩm đối thủ, cam kết với nhà mạng, thuế... "Thực tế, những con số này có xu hướng tăng lên và chúng tôi bị cuốn theo", Ken Hong, Giám đốc truyền thông của LG, cho biết.
Điều thú vị là Pixel 2 và Pixel 2 XL có giá bằng Pixel và Pixel XL khi mới ra mắt. Tuy nhiên, đến Pixel 3, Google đã nâng giá lên 23% mà không hề bổ sung ống kính thứ hai ở mặt sau, cũng như chỉ điều chỉnh nhỏ trong thiết kế. Google dường như đẩy giá máy để phù hợp với xu thế cạnh tranh.
Tuy nhiên, một lý do quan trọng khiến smartphone trở nên đắt đỏ chính là lợi nhuận, nhất là khi người tiêu dùng có xu hướng dùng điện thoại lâu hơn, thường là trên 3 năm trước khi đổi máy mới.
"Chi phí sản xuất chỉ là một phần, chủ yếu là các hãng muốn đạt lợi nhuận cao và chiến lược tăng giá nằm trong số đó", Wood nhận định. Carolina Milanesi, nhà phân tích của Creative Strategies, đồng tình: "Có nhiều thứ được đưa vào điện thoại hơn trước, khiến hóa đơn linh kiện bị đẩy lên, nhưng tôi cho rằng các hãng muốn đặt giá cao cho sản phẩm bởi chiến lược này mới tạo ra nguồn lợi nhuận".
Tuy đắt đỏ, người tiêu dùng vẫn chi nhiều tiền hơn cho smartphone bởi thiết bị này không đơn giản được dùng để liên lạc, mà còn là công cụ thiết yếu trong công việc, giải trí, sáng tác nghệ thuật (chụp ảnh, quay phim, đồ họa...).
"Người dùng có thể chi khoản tiền lớn cho điện thoại vì - tuy còn gây tranh cãi - nó là thiết bị quan trọng nhất trong cuộc sống của họ", chuyên gia Ben Wood nhận định.
"Nếu bạn tạo ra đủ giá trị trên chiếc điện thoại, người tiêu dùng sẽ sẵn sàng trả tiền", Justin Denison, Phó chủ tịch phụ trách di động của Samsung, trả lời CNet hồi tháng 12/2018 khi nói về smartphone 5G sắp ra mắt của hãng.
Xu hướng tăng giá cũng đang tác động tới cả phân khúc tầm trung. IHS Markit định nghĩa "tầm trung" là những điện thoại có giá từ 150 USD đến 400 USD, nhưng hiện nay, nhiều smartphone trên 500 USD vẫn nằm trong phân khúc này.
Châu An (theo CNet)
Đồ họa: Việt Chung