Thứ trưởng Lương Văn Tự. (Vneconomy)
- Xin Thứ trưởng tóm lược về quá trình đàm phán của Việt Nam để gia nhập vào WTO?- WTO là tổ chức thương mại lớn nhất thế giới với 150 nước thành viên và 29 nước quan sát viên. Con số này gần ngang bằng với số thành viên các nước tham gia vào Tổ chức Liên hợp quốc (191 nước). WTO chiếm khoảng 85% thương mại toàn cầu và chiếm tới 90% thương mại dịch vụ toàn thế giới.
VN trong gia nhập WTO nhằm tạo môi trường cho các doanh nghiệp trong nước phát triển chứ không phải gia nhập cho chúng ta giàu lên hay nghèo đi. Chúng ta tranh thủ như thế nào từ WTO, điều này còn phụ thuộc vào chính sách và sự hoạt động của các doanh nghiệp VN tham gia vào tiến trình ấy.
Thời gian qua, VN đã tiến hành nhiều phiên đàm phán đa phương và song phương với các nước trên thế giới để đi đến các thống nhất như áp dụng chính sách “một cửa”, xóa bỏ một số mặt hàng cấm nhập khẩu (như thuốc lá điếu, ôtô cũ, bỏ việc tính thuế trên trị giá của 7 nhóm hàng) không phù hợp với WTO và mở cửa thị trường, dịch vụ. Tính đến thời điểm hiện nay, chúng ta đã đi được 4/5 quãng đường để có thể vào WTO.
Riêng lĩnh vực thuế, VN ra bảng chào 8 số và 99,9% số dòng thuế. Ở 10.000 dòng thuế 8 số, mức thuế đã chào là 18%, thuế về công nghiệp và nông nghiệp trung bình là 15%, hàng công nghiệp đối với EU là 16% và nông nghiệp là 20%. Về dịch vụ, quan điểm của nhiều nước muốn tự do hóa cao nhất nhưng VN căn cứ vào sự phát triển của mình để mở. Theo đó, chúng ta đã chào 11 ngành dịch vụ và 100 phân ngành. Về tài chính ngân hàng, VN mở cửa và có lộ trình nhất định, về viễn thông hiện đã mở cho 6 công ty trong nước liên doanh với các công ty nước ngoài, điều này cũng đồng nghĩa với việc ta chỉ phép liên doanh, còn yêu cầu 100% vốn nước ngoài chúng ta không chấp nhận.
- Tại sao năm 2005, VN lại lỡ chuyến vào WTO?
- Trong năm 2005, chúng ta đã kết thúc đàm phán song phương với 16 nước, nhưng khi đàm phán với một số đối tác quan trọng, có tính chất quyết định để VN vào WTO như Mỹ, New Zealand… thì lại không kết thúc được. Nguyên nhân chính là một số yêu cầu của các đối tác đưa ra tương đối cao nên chúng ta phải kiên trì thuyết phục họ, như VN là nước đang phát triển ở trình độ thấp, yêu cầu phải có thời kỳ quá độ để các doanh nghiệp chuẩn bị trong giai đoạn mới.
- Quốc gia nào khiến chúng ta tốn nhiều công sức nhất trong đàm phán?
- Còn bốn quốc gia chúng ta chưa đàm phán xong, đó là Mỹ, Mexico, Honduras và Domonica. Trong tháng 3 này, chúng ta sẽ tiến hành hai phiên đàm phán, một đa phương và một song phương với Mỹ.
Theo tôi, hiện Mỹ vẫn là đối tác nặng ký nhất trong quá trình đàm phán. Nếu chúng ta kết thúc với Mỹ thì sẽ mở ra nhiều cơ hội để Việt Nam tiếp tục đàm phán với các đối tác còn lại.
- Theo Thứ trưởng, những điểm nào còn vướng trong quá trình đàm phán làm cản trở đường vào WTO?
- Đó là hai lĩnh vực rất nhạy cảm là thuế và dịch vụ. Thời gian tới phía VN sẽ còn rất nhiều việc cam go và thách thức bởi càng gần đến đích càng khó khăn.
- Đó là những cam go, thách thức gì, thưa ông?
- Như tôi đã nói, VN chỉ còn đàm phán song phương với bốn đối tác. Nhưng phía Mỹ luôn yêu cầu phải đàm phán một cách toàn diện chứ không đặt nặng một vấn đề nào cả, trong khi đó chúng ta chưa lường trước được những yếu tố hành chính, pháp luật của đối tác.
Để có thể hoàn tất đàm phán với Mỹ, những vấn đề thuộc về kỹ thuật thì các chuyên gia phải làm, cái còn lại chúng ta phải tiếp tục vận động ngoại giao. Gia nhập WTO là xu hướng tất yếu, là cơ hội để VN hoàn thiện các khung pháp lý, đồng thời tạo cơ hội cạnh tranh cho doanh nghiệp VN. Đây cũng là dịp để VN thực hiện các cam kết về mở cửa thị trường chứ không phải cứ đàm phán xong là xong.
- Như ông đã nói, chúng ta đã đi hết 4/5 quãng đường, liệu trong năm 2006, VN có thể vào được WTO không?
- Về thời gian VN vào WTO, tôi chỉ có thể nói, chúng ta đang tiến rất gần.
- Nhiều doanh nghiệp cho rằng, nội lực của nền kinh tế VN còn yếu kém, thực trạng sản xuất kinh doanh của các doanh nghiệp còn manh mún, nếu chúng ta vào WTO sẽ rất khó cạnh tranh, Thứ trưởng có suy nghĩ gì về ý kiến này?
- Tôi còn nhớ cách đây khoảng 10 năm, khi chúng tôi đi đàm phán để VN gia nhập ASEAN và cam kết thực hiện các vấn đề về CEPT/AFTA cũng có rất nhiều ý kiến cho rằng, nếu gia nhập thì hàng hóa từ các nước Đông Nam Á sẽ tràn ngập thị trường VN.
Nhưng như đã thấy, lộ trình chúng ta thực hiện được mấy năm mà thị trường và các doanh nghiệp VN vẫn ổn định và phát triển rất tốt. Do vậy, tôi tin rằng khi chúng ta vào được WTO thì nền kinh tế VN sẽ phát triển. Bằng không, chúng ta sẽ đi ngược lại xu thế hội nhập toàn cầu.
- Thứ trưởng có lời khuyên gì đối với các doanh nghiệp?
- Theo tôi, trong thời điểm hội nhập, các doanh nghiệp VN, đặc biệt là các doanh nghiệp vừa và nhỏ cần lưu ý ba điều. Thứ nhất, các doanh nghiệp cần có sự liên kết lại với nhau thành những doanh nghiệp lớn. Các doanh nghiệp trên thế giới cũng đang vận hành theo xu hướng chung là liên kết thành những tập đoàn mạnh. Nền kinh tế hiện nay không còn phù hợp cho các doanh nghiệp hoạt động theo dạng nhỏ, lẻ.
Thứ hai, phải tranh thủ thời kỳ quá độ để đầu tư, đào tạo đội ngũ cán bộ đáp ứng cho thời kỳ mới. Thứ ba, Nhà nước sẽ tiếp tục có sự hỗ trợ nhất định cho hoạt động của các doanh nghiệp và được thực hiện dưới các hình thức như tăng cường xúc tiến thương mại… Các doanh nghiệp cần tranh thủ tối đa từ sự hỗ trợ này để tăng cường xuất khẩu, hoạt động kinh doanh.
(Theo Sài Gòn Giải Phóng)