"Theo tôi, có thể coi việc giá nhà đất tăng cao là nguyên lý vận hành của thị trường. Vì:
Thứ nhất, người có tiền nhàn rỗi luôn quan tâm đến việc để tiền đâu cho vừa an toàn, vừa sinh lời, vừa ít giảm giá trị.
Thứ hai, thêm văn hóa 'an cư lạc nghiệp', 'mảnh đất cắm dùi' của chúng ta 'phụ họa'.
Thứ ba, trong bối cảnh dịch bệnh, kinh tế khó khăn như những năm trước thì đầu tư vốn vào đâu để nó sinh sôi không bị lỗ? Kết luận: Với những nhân tố trên thì chỉ có vào bất động sản".
Độc giả Nhật Nhật Tân nêu ba lý do dẫn đến việc nhiều người dồn tiền mua đất động sản (BĐS) như trên. Bình luận này được viết sau bài Giá bất động sản bị đẩy vì 'người không thiếu nhà cũng mua đầu cơ'.
Độc giả Thuận Hòa: "Cứ hễ giá nhà tăng cao là tôi lại nghe điệp khúc 'do đầu cơ'. Thực tế giá cao là do cầu cao, cung thấp, dự án tốt khan hiếm, thời điểm mua vào tốt trước khi thị trường tăng tốc chu kỳ mới thì chuyện nhiều người đổ tiền vào bất động sản là đương nhiên".
Độc giả Thanh Lỳ đồng ý với quan điểm giá bất động sản cao là do đầu cơ:
"Người đầu tư có suy nghĩ và tầm nhìn dài hạn, người đầu cơ tìm kiếm cơ hội ngắn hạn mua để bán kiếm lời nhanh.
Ngoài việc tìm nguồn thông tin chính thống để nắm bắt đón đầu cơ hội, nhóm đầu cơ còn (tự) biên diễn tình hình, (tự) suy đoán đón đầu, tạo thông tin sốt giá, đánh động tâm lý để tạo cơ hội đẩy giá lên, kéo cả đoàn vào mua trong ngắn hạn.
Nếu nhóm đầu tư chiếm tỷ trọng lớn thì nền tảng kinh tế bền vững, dài hạn nhưng dòng vốn chậm xoay vòng. Nhóm đầu cơ chiếm tỉ trọng cao hơn thì luồng tài chính xoay vòng, biến động nhanh, tác động nền kinh tế không nhỏ nhưng bị rủi ro, thua lỗ cao, thậm chí rất cao.
Do tình hình bất khả kháng, nhiều người thuộc nhóm đầu cơ 'bị' buộc phải chấp nhận mình trở thành nhà đầu tư dài hạn do không thể bán được bất động sản theo ý muốn, thậm chí thua lỗ, phá sản.
Với bất động sản, tôi biết nhiều nơi trên thế giới có quy định ngưỡng khoảng thời gian giữa mua và bán. Điều này giúp phần nào kiểm soát được tỷ trọng đầu tư và đầu cơ BĐS.
Độc giả nickname Hạt ớt cho rằng muốn hạn chế đầu cơ bất động sản, phải dựa vào luật:
"Tỷ lệ mua BĐS đầu cơ ngang ngửa với sử dụng. Chỗ tôi sống, có khu đô thị với sức chứa hàng triệu người, phần lớn các căn hộ đã có chủ nhưng phần lớn mua đầu cơ để đó, tối đến như thành phố ma cực kỳ ít người ở.
Còn đất nền thì rất nhiều, cỏ hoang mọc. Hỏi ra mới biết những miếng đất này thay đổi chủ liên tục, hàng mấy chục ngàn mảnh đất có khi mấy chục năm rồi mà chưa biết bao giờ có nhà.
Tôi thấy ở Việt Nam bất kỳ ai có nhiều tiền là nghĩ đến mua BĐS để đó, còn vì sao thì ai cũng biết. Hạn chế đầu cơ BĐS thì phải dựa vào luật chứ không thể nói suông".
Độc giả nickname vietduc.1810 phân tích và đánh giá:
"Giá tăng trong ngắn hạn có thể đổ lỗi cho giới đầu cơ, nhưng nếu trong dài hạn mức giá cao vẫn được duy trì thì phải hỏi tại sao đầu cơ (hoặc đầu tư) vào BĐS lại có lợi nhuận hấp dẫn.
Vì nguồn cung khan hiếm, tổng giá trị sử dụng của tài sản không giảm (thậm chí còn tăng) theo thời gian nên nó buộc người mua phải cạnh tranh đến từng đồng tiền đi vay được để mua.
Nếu muốn chặn đầu cơ, đầu tư thì cách duy nhất là tăng chi phí duy trì tài sản (chủ yếu là chi phí vốn) cao hơn lợi nhuận từ kênh đầu tư phổ biến khác là vàng. Như vậy, nghĩa là chi phí vốn ở Việt Nam phải cao hơn tốc độ tăng của giá vàng. Lạm phát cao, doanh nghiệp khó tiếp cận thị trường vốn.
Như vậy, để không ảnh hướng đến kinh tế vĩ mô và muốn xử lý được vấn đề nhà ở cho tất cả những người phải vay ngân hàng để mua nhà, cách duy nhất là phải làm cho giá trị sử dụng của tài sản giảm dần theo thời gian. Tức là phải đưa ra được quy định về thời gian sử dụng, thời gian sở hữu của chung cư.
Cách làm hiện nay phải là tách đối tượng phải vay phần lớn giá trị ngôi nhà để bán cho họ nhà ở xã hội (NOXH) với những ưu đãi về lãi vay, nếu làm được thì rất tuyệt vời. Nếu không phân loại được, sẽ có cảnh người đi ôtô xếp hàng bốc thăm mua NOXH.
Việc đưa ra quy định về thời hạn sử dụng, thời hạn sở hữu dù rất vướng mắc nhưng còn khả thi hơn".
Hữu Nghị tổng hợp