Bộ ba câu hỏi giống như lời chào lẫn nhau kiêm một khảo sát nhanh về quốc gia bạn. Chúng có ý nghĩa tạo hành lang để mọi người chia sẻ về thực trạng nền dân số của nước mình và sự chuẩn bị cho tương lai.
Tại diễn đàn quốc tế, đại diện những quốc gia châu Á thường trả lời tương tự nhau. Rằng họ muốn sống tới 80 tuổi, chết ở nhà và chết nhanh chết khỏe; trừ dân Nhật thì muốn chết ở bệnh viện, nhà dưỡng lão. Người phương Tây thì không quan trọng quá, miễn sống phải trải nghiệm đáng giá, đừng nằm dai dẳng trên giường rồi mới tắt thở.
Người Việt Nam đang có tuổi thọ trung bình 73,4. Và vừa qua, tại cuộc khảo sát đầu tiên tôi thực hiện về nhu cầu của người Việt Nam khi già đi, gần 90% người trả lời họ muốn sống tới ít nhất 80 tuổi và chết tại nhà, với sự chăm sóc của con cháu.
Sống, chết cũng là nét văn hóa. Khi hỏi để biết người dân muốn sống thế nào, sống ra sao, thì chính sách của nhà nước phải “vẽ” theo văn hóa đó cho phù hợp với mong muốn của người dân. Tức là chính sách đi sau, trả lời các câu hỏi: Làm sao để người dân vươn đến ngưỡng tuổi thọ cao hơn và được chết ở nhà - nơi mà theo văn hóa của họ gia đình là an sinh số một; làm sao đáp ứng nhu cầu được chăm sóc của người trung và cao tuổi, với sự hỗ trợ ở liều lượng nào…
Bởi vì nếu dân muốn chết ở nhà mà mình cứ đi xây nhà dưỡng lão thì không đúng nhu cầu của họ. Bởi họ muốn được chăm sóc y tế với sự đóng góp tài chính của chính cá nhân họ một phần chứ không phải muốn nhà nước hỗ trợ 100% bởi bản thân họ cũng thấy “nhà nước không trả nổi và bản thân chúng tôi cũng cảm thấy không có trách nhiệm” mà mình cứ ban hành bảo hiểm y tế cho “toàn diện” nhưng chất lượng dịch vụ thấp… thì Việt Nam khó mà đạt được sự già hóa thành công, tức già mà sống vui, sống khỏe.
Dân số Việt Nam đã bước vào giai đoạn “đang già” và theo dự báo sẽ già hóa rất nhanh, thậm chí nằm trong nhóm những nước già nhanh nhất thế giới.
Tôi giải thích như sau: Trong so sánh quốc tế về tuổi từng nhóm dân số, người cao tuổi được tính từ 65 tuổi trở lên. Khi tỷ lệ người cao tuổi đạt 7% tổng dân số, người ta gọi quốc gia đó có “dân số bắt đầu già” (aging). Đây đang là ngưỡng của Việt Nam. Còn khi tỷ lệ này đạt 14% tổng dân số, quốc gia đó đã có “dân số già” (aged).
Câu hỏi thứ nhất cho Việt Nam, phải chuẩn bị chính sách cho người già bây giờ, và người già tương lai (bao gồm cả những người đang đọc bài báo này).
Bởi chính sách của nước ta vẫn dựa trên thói quen của người ra chính sách chứ chưa dựa trên nhu cầu của người thụ hưởng. Các bạn quốc tế đôi khi khá kinh ngạc vì hỏi cái gì Việt Nam cũng có: Nhà dưỡng lão, các dịch vụ chăm sóc sức khỏe cho người già, bệnh viện lão khoa, bảo hiểm y tế… nhưng thực ra không đến nơi đến chốn, không đáp ứng mong muốn của người thụ hưởng, thậm chí có cho đủ lệ bộ.
Dân số đang già hóa nhanh nhưng chính sách dành cho người già rất sơ khai. Các chương trình giáo dục sức khỏe cho người trung niên để 20 năm nữa họ bước vào giai đoạn già gần như không có. Nhu cầu chăm sóc của người trung tuổi và cao tuổi ngày càng cao nhưng hệ thống lão khoa phát triển chậm. Gánh nặng tuổi già, bệnh tật vẫn đè lên tiền túi người dân.
Trong kết quả khảo sát của tôi, 80-90% người trung niên trả lời họ muốn được chăm sóc tại nhà bởi con cháu. Vậy câu hỏi đặt ra là nhà nước sẽ huấn luyện mọi người dân các kỹ năng chăm sóc người già thế nào. Huyết áp cao, tim đập nhanh, hao mòn trí nhớ... thì phải xử lý, ứng phó ra sao. Những kiến thức cơ bản đó xuất phát từ nhu cầu cần được giáo dục của người dân.
Sự chuẩn bị để người dân được “già hóa thành công” đang thiếu.
Câu hỏi quan trọng thứ hai đặt ra là bức tranh dân số - kinh tế của chúng ta trong vài thập kỷ tới sẽ ra sao và có thể tránh được xu thế “chưa giàu đã già” không? Câu trả lời hoàn toàn phụ thuộc vào việc chúng ta tận dụng cơ hội từ dân số như thế nào.
Trong vài thập kỷ tới, Việt Nam vẫn đón nhận một lượng lớn người trong độ tuổi lao động (từ 65% tới hơn 70% tổng dân số). Đây là nguồn lực khổng lồ để Việt Nam có thể tạo ra “bàn đạp to” cho tăng trưởng kinh tế, cải thiện nhanh thu nhập bình quân đầu người và bứt phá khỏi bẫy “chưa giàu đã già”.
Dân số tạo cơ hội, nhưng cơ hội ấy không tự đến mà phải được hiện thực hoá bằng các chiến lược và chính sách cụ thể cho từng giai đoạn trong tầm nhìn dài hạn. Ví dụ như Việt Nam cần có chiến lược để thoát khỏi vùng trũng trong chuỗi giá trị sản xuất toàn cầu.
Song hành với sự kỳ vọng từ chiến lược của chính phủ, mỗi người dân cũng phải tự vận động mạnh hơn để lo cho tuổi già từ khi còn trẻ.
“Già hóa thành công” là điều rất quan trọng với người dân và cả quốc gia. “Già hoá thành công” thể hiện trên ba khía cạnh: sức khoẻ tốt, thu nhập tốt và cuộc sống xã hội tốt. Những điều đó chỉ đến khi người dân có nền tảng thành công ngay từ khi còn trẻ.
Tức là, trẻ hay già, đều nên có vật chất và thể chất, sống vui vẻ, khỏe mạnh và có cơ hội tham gia các hoạt động xã hội.
Bây giờ là lúc người Việt Nam, dù ở độ tuổi nào, cần nghiêm túc nghĩ về 3 câu hỏi: “Muốn sống bao lâu? Muốn chết ở đâu? Chết như thế nào?”.
Giang Thanh Long