"Xăng lên giá, lập tức phí vận chuyển tăng lên bình quân cả trăm ngàn đồng mỗi chuyến. Mấy ngày qua, công ty phải trả phí vận chuyển thêm 50.000 đồng cho mỗi chuyến hàng, thay vì 250.000 đồng như trước kia. Hàng xuất nhiều càng lo nhiều", ông Hà Kiến Thanh, Trưởng phòng kinh doanh Công ty Taung Liang VN nói.
Theo ông Thanh, giá xăng tăng, ngành bị tác động trước tiên là các công ty sản xuất công nghiệp vì chịu hiệu ứng ảnh hưởng từ đơn vị vận tải. Khi giá xăng tăng, ngay lập tức vận tải cho điều chỉnh giá dịch vụ. Chi phí vận chuyển phải cộng thêm bù giá xăng dầu. Trong khi đó những hợp đồng đơn hàng doanh nghiệp sản xuất đã ký với khách hàng thì không thể thay đổi được.
Hiện nay, các công đoạn sản xuất của công ty Taung Liang VN, từ chuyên chở mủ cao su ở công trường về nhà máy, các khâu chế biến sau đó như sấy khô mủ cao su, băm, nấu, đến khi thành phẩm, vận chuyển ra kho bãi... đều bị ảnh hưởng bởi giá nhiên liệu, xăng, dầu đốt tăng.
Xăng dầu tăng giá gây ảnh hưởng từ người tiêu dùng đến doanh nghiệp. Ảnh: K.C. |
Giới kinh doanh giao hàng tận nhà cũng đau đầu khi phải cân nhắc tính toán lại giá cả dịch vụ. Một chủ doanh nghiệp chuyên kinh doanh dịch vụ đi chợ thuê (giao hàng rau quả thực phẩm tận nhà mỗi ngày) tâm sự, giá nguyên vật liệu vốn đã cao từ sau tết, cộng dồn với giá xăng tăng, công ty đã điều chỉnh giá dịch vụ nhưng gặp ngay hiệu ứng không mong đợi là nhiều khách hàng đã từ bỏ.
Ông Lê Diện, Giám đốc công ty Nguyên Khang ở quận Tân Phú cho biết, mới đây công ty chỉ dám điều chỉnh tăng thêm 1% đơn giá giao hàng. Trong khi đó, phía nhà phân phối nhanh chân hơn đã tính mức giá mới, tăng thêm khoảng 5%. Vì vậy, sản phẩm khi đến tay người tiêu dùng đã đội chi phí lên hơn 6%.
"Điều chỉnh lên giá 1% thật ra không thấm tháp vào đâu so với khoản tăng trong chi phí xăng xe của đội ngũ nhân viên giao hàng, chăm sóc khách hàng", ông Diện cho biết.
Theo ông, nếu tình hình giá cả, xăng dầu vẫn tiếp tục tăng, ông đang tính tới việc mở rộng quy mô công ty hơn hiện tại với mong muốn giảm được chi phí, điều chỉnh lại giá cả dịch vụ. Tuy nhiên mở rộng công ty cũng kèm theo nhiều rủi ro khác như cần nhiều khách hàng, chi phí nhân sự tăng...
Ông Ngô Tấn Giác, chủ doanh nghiệp tư nhân Cà phê Thu Hà cho biết, đang đề nghị các siêu thị đồng ý với phương án Thu Hà điều chỉnh lên giá cà phê thêm 10-15%. Tuy nhiên, theo quy định của các siêu thị, nhà cung cấp muốn điều chỉnh giá phải báo trước ít nhất nửa tháng. Thời gian có hiệu lực giá mới phải sau thông báo 1-2 tháng.
Không lường trước khả năng xăng tăng giá hôm 26/2, Thu Hà đã gửi thông báo tăng giá 5.000 đồng cho mỗi kg cà phê đến các siêu thị ở TP HCM do chi phí nguyên vật liệu lên cao. Tuy nhiên chỉ vài ngày sau đó, xăng dầu làm một cú đột phá mới về giá khiến doanh nghiệp này lâm vào thế "tiến thoái lưỡng nan": thông báo điều chỉnh giá tiếp cũng khó; mà gồng mình chịu lỗ do chi phí phát sinh thì sẽ không tồn tại lâu.
Vi Vi