Theo Bộ Y tế, viện phí hiện hành được áp dụng theo thông tư 13 ban hành năm 2019. Trong đó, giá khám tại bệnh viện hạng đặc biệt, hạng I là 38.700 đồng một lượt; 34.500 đồng một lượt với bệnh viện hạng hai và 30.500 đồng một lượt với bệnh viện hạng 3, 4. Bảo hiểm y tế căn cứ khung giá này để tiến hành chi trả cho người bệnh có thẻ.
Đại diện Bệnh viện Bạch Mai cho biết giá viện phí này đã rất lạc hậu, trượt giá qua từng năm. Ví dụ, bệnh viện thu phí một lượt siêu âm là 43.900 đồng cho một lượt, phí này không đủ để chi trả hao mòn máy móc, chưa tính tới tiền nhân công.
Trong khi đó, mức giá được xây dựng chưa bao quát hết chi phí vận hành bệnh viện với 7 yếu tố gồm chi phí thuốc, vật tư trực tiếp; điện, nước, xử lý chất thải; duy tu, bảo dưỡng, mua thay thế công cụ, dụng cụ trực tiếp sử dụng để thực hiện các dịch vụ; tiền lương, phụ cấp; chi phí sửa chữa lớn, khấu hao trang thiết bị; khấu hao nhà cửa; đào tạo, nghiên cứu khoa học. Hiện, viện phí mới bao gồm 4 yếu tố gồm thuốc, vật tư; điện, nước; bảo trì thiết bị; lương, phụ cấp.
Bệnh viện Bạch Mai phục vụ 95% người bệnh có bảo hiểm y tế với khoảng 6.000 đến 8.000 lượt khám một ngày. Hiện bệnh viện bị quá tải, khám và phẫu thuật xuyên cả ngày lễ, ngày nghỉ.
"Chúng tôi phải vận hành một cỗ máy vô cùng lớn, hơn 4.500 nhân viên và 1.000 người làm dịch vụ. Với cách tính trên, dù bệnh nhân đông, nguồn thu bệnh viện vẫn eo hẹp, rất khó khăn khi phải cân bằng thu, chi", đại diện Bạch Mai nói và thêm rằng bệnh viện có muốn khuyến khích người lao động thì cũng không có cách nào ngoài động viên tinh thần, không có nguồn nào tái đầu tư thiết bị, con người như đào tạo nhân lực, đãi ngộ, lương cơ bản.
Đồng quan điểm, đại diện một bệnh viện tuyến trung ương tại Hà Nội cho biết các chi phí đào tạo nhân lực, nghiên cứu khoa học hay chi phí khấu hao tài sản cố định chưa được tính vào giá. Trong khi đó, bác sĩ cũng cần thu nhập ổn định, còn giá viện phí theo bảo hiểm y tế thấp sẽ ảnh hưởng thu nhập của bác sĩ.
Bệnh viện công phục vụ chủ yếu nhóm đối tượng chính sách, nghèo, người có công, song song với đó là đào tạo nhân lực y tế chất lượng cao phục vụ khám chữa bệnh. Bác sĩ rời bỏ bệnh viện công, gây thiếu hụt nguồn nhân lực và đặc biệt nhân lực chất lượng cao, không dễ lấp đầy trong thời gian ngắn. Hệ quả là các bộ phận khác phải làm việc nhiều hơn, y bác sĩ tiếp tục quá tải công việc, người dân không được tiếp cận dịch vụ y tế tốt nhất.
Lương thấp do giá dịch vụ y tế thấp, không tính đúng, là một trong những nguyên nhân chính khiến nhân viên y tế nghỉ việc. Lý do này được đề cập trong một báo cáo của Công đoàn Y tế Việt Nam hồi đầu tháng 7.
Kiến nghị chung của các bệnh viện và công đoàn y tế, là các cơ quan quản lý sớm ban hành giá thanh toán viện phí theo hướng tính đúng, đủ 7/7 yếu tố cấu thành giá. Bộ Y tế sớm ban hành khung giá khám chữa bệnh theo yêu cầu để các bệnh viện có căn cứ pháp lý thực hiện, từ đó có chế độ đãi ngộ nhân viên phù hợp.
Tại hội thảo lấy ý kiến về Luật khám chữa bệnh sửa đổi do Ủy ban Vấn đề xã hội của Quốc hội tổ chức ngày 9/8, đại diện Bộ Y tế cho biết đã giao Viện Chiến lược và chính sách y tế khảo sát chi phí quản lý, từ đó phân bổ vào giá, đảm bảo viện phí phù hợp và cân bằng với quỹ bảo hiểm y tế. Vấn đề viện phí đã được đưa vào dự thảo Luật khám chữa bệnh sửa đổi, sẽ trình Quốc hội vào kỳ họp tháng 10 tới.
Chi Lê