Quyết định xả kho được Thái Lan công bố vào ngày 30/8. Theo đó, 17 triệu tấn gạo loại 100%B (tương đương loại 5% tấm của Việt Nam) sẽ được bán ra với giá 380 USD một tấn, giảm 50 USD mỗi tấn so với giá cũ. Trước đó, Thái Lan bán gạo loại này với khối lượng lớn, giá 420 USD một tấn và đã gây nhiều trở ngại cho việc xuất khẩu của Việt Nam.
Ông Trương Thanh Phong - Chủ tịch Hiệp hội Lương thực (VFA) cho rằng, từ đợt xả hàng lần trước của Thái Lan, thị trường gạo đã diễn biến rất chậm, do tâm lý chờ đợi từ phía người mua. Đến đợt xả hàng lần này với mức giá rẻ hơn, chắc chắn các doanh nghiệp trong nước sẽ gặp không ít khó khăn.
"Gạo Thái giảm dẫn đến tâm lý tiêu cực trên thị trường, đặc biệt tại châu Á. Trong khi đó, đây là thị trường chiếm 50% tỷ trọng xuất khẩu của Việt Nam. Chênh lệch giá giữa các nước xuất khẩu thu hẹp khiến những tháng cuối năm, tình hình càng khó hơn cho các doanh nghiệp Việt", lãnh đạo VFA nhận định. Trong khi đó, theo Hiệp hội, dự kiến Ấn Độ năm nay rất được mùa gạo nên áp lực cạnh tranh càng lớn.
Giám đốc một doanh nghiệp thuộc VFA cho biết, việc nhiều hợp đồng xuất khẩu thời gian gần đây bị hủy đã khiến không ít đơn vị khốn đốn. Nay lại thêm việc Thái Lan xả kho và đưa ra mức giá rất cạnh tranh khiến tình hình xuất khẩu gạo của các doanh nghiệp Việt gần như chững lại, ít hợp đồng mới được ký.
"Biết trước Thái Lan sẽ xả kho nhưng mức giá họ đưa ra cũng khiến chúng tôi không khỏi bất ngờ. Bởi vì từ trước đến nay, giá gạo Thái vẫn cao hơn chúng ta khoảng 50 USD một tấn. Với mức giá mới rẻ như vậy, doanh nghiệp Việt sẽ càng khó hơn vì tuy là hàng tồn, gạo Thái vẫn được đánh giá cao", vị này cho hay.
Ông nhẩm tính, với mức giá hiện tại, các doanh nghiệp tạm trữ lúc gạo trong nước đang lỗ khoảng 30 USD mỗi tấn. Tổng lượng tạm trữ tồn trong kho các doanh nghiệp vẫn còn tầm 800.000 tấn. Trong khi đó, ở thị trường nội địa, giá lúa gạo cũng có chiều hướng giảm. Tại các tỉnh Đồng bằng sông Cửu Long, theo VFA, trong tuần qua, giá lúa khô tại kho loại thường dao động 5.100 - 5.200 đồng một kg, lúa dài khoảng 5.300 - 5.400 đồng, thấp hơn khoảng 500 đồng so với hồi giữa tháng 8.
Ông Trần Công Thắng - Trưởng bộ môn Chính sách và chiến lược, Viện Chính sách và chiến lược phát triển nông nghiệp, nông thôn cũng nhận định, thời gian tới, chắc chắn gạo Việt sẽ chịu nhiều áp lực từ việc xả kho của Thái Lan. "Trong khi đó, các quốc gia khác như Ấn Độ, Campuchia bắt đầu tăng sản lượng xuất khẩu, vì thế việc cạnh tranh trên thị trường này sẽ gay gắt hơn", chuyên gia này nhận định.
Cũng thừa nhận nếu nhìn vào lượng hàng xả kho của Thái Lan là 17 triệu tấn thì thấy rất lo ngại cho doanh nghiệp Việt, tuy nhiên, ông Trần Thanh Hải – Phó Cục trưởng Cục Xuất nhập khẩu (Bộ Công Thương) cho rằng nên nhìn vào khía cạnh khác để phân tích thị trường.
Theo vị này, gạo Thái Lan ở phẩm cấp khác so với Việt Nam nên hai nước không cùng sân chơi, tức hai bên không phải đối thủ trực tiếp của nhau. Ngoài ra, Thái Lan cũng đang nỗ lực giải quyết lượng gạo tồn kho nhưng kết quả rất hạn chế. “Gần đây, Chính phủ Thái Lan tổ chức bán đấu giá lượng gạo này nhưng chỉ mới bán được hơn 200.000 tấn,. Điều đó cho thấy khả năng giải quyết lượng gạo tồn kho của nước này không phải là dễ dàng”, ông Hải nói.
Số liệu của VFA cho thấy, từ đầu năm cả nước đã xuất khẩu được gần 4,4 triệu tấn gạo, trị giá 1,8 tỷ USD. Nếu tính cả lượng hợp đồng đã đăng ký, con số có thể lên tới 6,1 triệu tấn, giảm 2,5% so với cùng kỳ năm ngoái. “Trong bối cảnh thị trường như hiện nay, con số này đã thể hiện sự nỗ lực tích cực của các thương nhân xuất khẩu gạo”, đại diện Cục Xuất nhập khẩu nhận xét.
Để giải quyết những khó khăn cho doanh nghiệp, ông Thắng cho biết Viện Chính sách và chiến lược phát triển nông nghiệp, nông thôn đang đề xuất một số chính sách ngắn hạn như giảm thuế, giảm lãi suất. "Về dài hạn thì các đơn vị nên chuyển đổi cơ cấu khách hàng, mở rộng thị trường sang nhiều nước hơn. Không nên tập trung vào một thị trường nhiều quá, khi xảy ra biến động sẽ tác động xấu", chuyên gia này cho hay.
VFA cũng đề nghị các doanh nghiệp mở rộng khai thác các thị trường có tiềm năng, đặc biệt ở khu vực châu Phi. Hiện Chính phủ đẩy mạnh đàm phán với các nước Angola, Kenya để xúc tiến giao hàng vì các nước này có số lượng nhập khẩu gạo lớn...
Gần đây, VFA đã có tờ trình lên Thủ tướng đề nghị cho các doanh nghiệp mua gạo tạm trữ kéo dài hạn trả nợ thêm một tháng (tới 15/10) để tránh tình trạng bán tháo trả nợ. Trước đó, theo quyết định mua tạm trữ một triệu tấn gạo hè thu, Chính phủ hỗ trợ cho doanh nghiệp 3 tháng lãi suất, đến hạn trả nợ là ngày 15/9. VFA cũng đề nghị Chính phủ hỗ trợ lãi suất mua tạm trữ của 300.000 tấn gạo với thời gian hai tháng từ 15/9 đến 15/11. Việc làm này nhằm ổn định thị trường gạo trong nước và doanh nghiệp có thêm thời gian vượt qua khó khăn. Trước những khó khăn trên thị trường gạo, VFA đã hạ mục tiêu xuất khẩu năm nay từ 8 triệu tấn xuống còn 7,5 triệu tấn. Theo kế hoạch, Việt Nam sẽ xuất 2,2 triệu tấn gạo trong quý II và 1,8 triệu tấn trong quý IV. |
Ngọc Minh - Huyền Thư