Công ty luật Wisner, đại diện cho gia đình của 3 nạn nhân, hôm 30/1 cho biết họ đã đệ đơn kiện Boeing vào tuần trước tại tòa án hạt Cook ở bang Illinois, Mỹ, nơi đặt trụ sở của Boeing, cáo buộc rằng chiếc máy bay "bị lỗi và nguy hiểm một cách phi lý".
Theo đơn kiện, chiếc Boeing 737-500 bị lỗi theo một hoặc nhiều cách, gồm lỗi có thể xảy ra ở hệ thống ga tự động, thiết bị điều khiển công suất động cơ tự động, hoặc hệ thống điều khiển bay. Các tài liệu của tòa án cũng cáo buộc sự ăn mòn có thể xảy ra đối với "van một chiều giai đoạn 5 xả khí động cơ, khiến nó bị kẹt ở vị trí mở trong quá trình bay, dẫn đến máy nén không thể kiểm soát được".
Wisner nói rằng chỉ có một gia đình trong vụ tai nạn máy bay Sriwijaya đệ đơn kiện Boeing, nhưng công ty pháp lý này đang liên hệ với những người khác có người thân thiệt mạng.
Chiếc Boeing 737-500 của hãng hàng không Sriwijaya Air chở 62 người lao xuống biển chỉ vài phút sau khi cất cánh từ sân bay thủ đô Jakarta hôm 6/1. Indonesia đã trục vớt được hộp đen ghi lại dữ liệu hành trình bay từ khi cất cánh đến lúc gặp nạn và giới chức dự kiến báo cáo sơ bộ về vụ tai nạn vào đầu tháng 2.
Các nhà điều tra đã tìm cách khôi phục và đọc máy ghi dữ liệu chuyến bay, nhưng vẫn đang tìm kiếm thiết bị ghi âm buồng lái, cho phép họ nghe cuộc trò chuyện giữa các phi công.
Nurcayho Utomo, thuộc ủy ban an toàn giao thông vận tải Indonesia, cho biết hồi đầu tháng này rằng hệ thống ga tự động của Boeing 737-500 được báo cáo có vấn đề sau chuyến bay vài ngày trước đó. Giới chức đang điều tra liệu điều này có góp phần gây ra thảm họa. Máy bay được phép bay với hệ thống ga tự động không hoạt động vì thay vào đó, phi công có thể điều khiển bằng tay, theo Utomo.
Lỗi phần mềm buồng lái ở dòng máy bay 737 MAX của Boeing đã gây ra hai vụ tai nạn chết người ở Indonesia và Ethiopia. Tổng cộng 346 người đã thiệt mạng trong hai thảm họa chỉ trong vòng 6 tháng.
Boeing đã bị Bộ Tư pháp Mỹ phạt 2,5 tỷ USD sau khi bị buộc tội gian lận liên quan đến hai vụ tai nạn, đồng thời phải đối mặt với các vụ kiện từ gia đình nạn nhân. Công ty báo cáo khoản lỗ ròng 11,9 tỷ USD trong năm 2020, mức lỗ lớn nhất trong lịch sử.
"Chúng tôi chia sẻ với phi hành đoàn SJ-182 của chuyến bay Sriwijaya Air, hành khách và gia đình của họ. Các chuyên gia kỹ thuật của Boeing đang hỗ trợ điều tra và chúng tôi tiếp tục đưa ra bất kỳ hỗ trợ nào cần thiết trong thời gian khó khăn này", Boeing cho biết trong một thông cáo sau thông tin về đơn kiện của Wisner.
Huyền Lê (Theo Guardian)