Bộ Giao thông Vận tải Indonesia hôm 12/1 cho biết chiếc máy bay Boeing 737-500 mang số hiệu SJ 182 của hãng hàng không Sriwijaya Air đã phải ngừng hoạt động từ cuối tháng 3/2020, vài tuần sau khi Indonesia công bố ca Covid-19 đầu tiên.
Máy bay hoạt động lại vào ngày 19/12/2020, sau khi hoàn thành bài kiểm tra của Tổng cục Vận tải Hàng không Indonesia. Kể từ đó, máy bay đã thực hiện 131 chuyến bay sau gần 9 tháng "đắp chiếu", trước khi gặp nạn hôm 6/1, theo trang cung cấp dữ liệu bay Flightradar24.
"Đây là tiêu chuẩn khá tốt cho hãng hàng không này và một quốc gia như Indonesia", Ian Petchenik, phát ngôn viên của Flightradar24, nói. "Vì máy bay là phương tiện vận tải chính của nước này, có rất nhiều chặng bay ngắn hoạt động với tần suất cao".
Bộ Giao thông Indoneisa cho biết chiếc máy bay này bắt đầu chở khách trở lại vào 22/12/2020, hai tuần rưỡi trước khi xảy ra tai nạn. Giấy chứng nhận đủ điều kiện bay của phi cơ có giá trị tới 17/12 năm nay.
Bộ Giao thông Indonesia cũng tuyên bố đã tuân thủ chỉ thị về tiêu chuẩn chứng nhận bay do Cục Hàng không Liên bang Mỹ ban hành hôm 24/6/2020, yêu cầu các nhà khai thác một số mẫu máy bay Boeing, bao gồm Boeing 737-500, phải kiểm tra động cơ trước khi bay. Vào 2/12/2020, thanh tra hàng không Indonesia đã cho kiểm tra động cơ của chiếc máy bay gặp nạn.
Ngoài bảo dưỡng động cơ, các cơ quan quản lý hàng không của Mỹ và châu Âu đã khuyến cáo kiểm tra tình trạng của những hệ thống khác như cảm biến điều khiển bay, hệ thống thủy lực, càng đáp, hệ thống van và các bộ phận điều áp cabin trước khi đưa máy bay khỏi nhà kho sau thời gian dài "đắp chiếu".
Jefferson Irwin Jauwena, giám đốc điều hành của Sriwijaya Air, hôm 12/1 thông báo kể từ tháng 3 năm ngoái, Sriwijaya Air đã thực hiện kiểm tra an ninh và an toàn theo chương trình Tiêu chuẩn Rủi ro Hàng không Cơ bản do Tổ chức An toàn Bay có trụ sở tại Alexandria, bang Virginia, Mỹ, vận hành.
Phát ngôn viên của Sriwijaya Air không phản hồi yêu cầu bình luận về việc liệu máy bay ngừng hoạt động trong thời gian dài có ảnh hưởng tới khả năng bay không, cũng như hãng đã bảo trì những gì trước khi máy bay nối lại hoạt động hồi tháng 12. Trước đó, hãng cho biết máy bay ở trong tình trạng tốt trước khi gặp nạn.
"Điều quan trọng là phải công bố đầy đủ hồ sơ cho biết nó được bảo dưỡng ở đâu, khi nào, ai bảo dưỡng?" Shukor Yusof, người sáng lập hãng tư vấn hàng không Endau Analytics có trụ sở tại Malaysia, nói. "Tôi không đặt nghi vấn về độ tin cậy của tài liệu này, nhưng sẽ tốt hơn nếu chúng ta được xem đầy đủ hồ sơ của máy bay".
Một số chuyên gia thế giới bày tỏ lo ngại rằng các máy bay hoạt động tần suất thấp trong đại dịch có thể ảnh hưởng tới an toàn hàng không. Chow Kok Wah, một nhà tư vấn hàng không có trụ sở tại Singapore, cho biết các máy bay "đắp chiếu" trong thời gian dài hơn bình thường cần được kiểm tra theo quy trình riêng. Các nhà điều tra có thể xem xét điều này trong hồ sơ bảo dưỡng máy bay.
Chiếc Boeing 737-500 của hãng hàng không Sriwijaya Air chở 62 người lao xuống biển chỉ vài phút sau khi cất cánh từ sân bay thủ đô Jakarta hôm 6/1. Indonesia đã trục vớt được hộp đen ghi lại dữ liệu hành trình bay từ khi cất cánh đến lúc gặp nạn. Quá trình giải mã hộp đen này dự kiến mất 2-5 ngày.
"Hy vọng mọi việc suôn sẻ và chúng ta có thể biết được nguyên nhân vụ tai nạn", Soerjanto Tjahjono, người đứng đầu Ủy ban An toàn Giao thông Quốc gia Indonesia, nói.
Hồng Hạnh (Theo Wall Street Journal)