Vài ngày trước tôi đi chợ ngang nhà bạn thời cấp III, thấy bạn về quê chơi, tôi vào nhà thăm và ngồi nói chuyện với bạn một chút, bạn bảo: "Dạo này kinh doanh khó khăn quá, sẵn tiện về nhà tráng xi măng khoảnh sân trước cửa để làm chỗ cho mẹ bán nước giải khát, kiếm đồng ra đồng vào".
Hỏi ra mới biết, từ ngày lấy vợ, mỗi tháng bạn gửi cho mẹ 3 triệu đồng. Với cuộc sống một mình ở quê, mẹ bạn đủ chi trả tiền điện, nước và còn lại một ít phòng thân. Lúc trước, bà có sạp rau ngoài chợ, tôi là khách mối của bà.
Vài năm trước, bà giải nghệ bán rau vì "lớn tuổi, con cái không cho ngồi chợ nữa". Bây giờ, lúc vợ chồng bạn trên thành phố kinh doanh khó khăn, số tiền 3 triệu đồng mỗi tháng bỗng nhiên trở thành gánh nặng vì bằng một nửa chi phí thuê mặt bằng bán hàng.
Lúc làm ra tiền, vui vẻ thì mỗi tháng gửi về nhà cho mẹ 3 triệu đồng không sao. Nhưng lúc khó khăn thì vợ bạn mặt nặng mày nhẹ... vì vợ chồng ông nhạc của bạn tôi là dân làm việc, về già cả hai đều có lương hưu nên thoải mái. Nhìn cảnh người vợ tay hòm tay chìa khóa phân bì, cũng đòi gửi tiền về cho nhà vợ cho ra lẽ công bằng, bạn tôi kể không ít lần đã nổi điên, hai vợ chồng cãi nhau suốt.
Bây giờ, bạn phải về nhà gợi ý mẹ bán hàng quán đắp đỗi qua ngày, "thật xấu hổ", bạn tôi nói.
Tôi không có ý bình phẩm chuyện nhà người khác, nhưng rõ ràng nó thấp thoáng hình ảnh của nhiều người trong chúng ta ở viễn cảnh tương lai. Khi mà Việt Nam là một trong các quốc gia có tốc độ già hóa dân số nhanh nhất thế giới. Từ năm 2036, Việt Nam bước vào thời kỳ dân số già, chuyển từ xã hội "già hóa" sang xã hội "già". Những người từ 60 tuổi trở lên chiếm hơn 25% tổng dân số vào năm 2050.
Lương hưu là mơ ước của nhiều người, vì nhiều lý do khác nhau. Trong đó có việc nhiều người từ tuổi trung niên đã mất việc, chỉ trông cậy vào tiền rút BHXH một lần.
Nhưng một nguyên nhân nữa là chúng ta thường có tâm lý nhờ cậy con tuổi già. Nhiều người thường nói tuổi già cũng cần lao động cho giãn gân cốt, nếu kiếm được tiền thì xem như có đồng ra đồng vào phụ giúp con cháu. Tôi không biết đó là đang an ủi bản thân hay tự trào.
Nhưng trước khi ra về, tôi dặn bạn: "Nhớ nói khéo, kẻ mẹ đau lòng đó".
>>Bài viết không nhất thiết trùng với quan điểm VnExpress.net. Gửi bài tại đây.