"Tôi và gia đình quyết định không về quê ăn Tết. Cả gia đình tôi bốn người nếu đi máy bay khứ hồi hết khoảng 35 triệu đồng tiền vé, tiền xe cộ đưa đón 2 triệu nữa. Tiền biếu xén quà cáp ăn uống hết 60 triệu nữa. Tổng chi phí gần 100 triệu. Tôi mà không về quê 10 năm là mua được cái nhà cấp 4 rồi đó".
Độc giả Phát Phú chia sẻ quyết định không đưa gia đình về quê ăn Tết vì giá vé máy bay cao, sau thông tin Tăng giá trần vé máy bay nội địa lên 4 triệu đồng.
Đồng cảnh ngộ, bạn đọc có nickname hahuutuong chia sẻ: "Gia đình tôi bốn người, năm nào về hai quê nội ngoại cách nhau 150 km ngoài Bắc để ăn Tết 10 ngày tàm tạm cũng khoảng 100 triệu đồng. Niềm vui và nỗi buồn của mỗi gia đình xa quê khi kinh tế chưa giàu có".
Độc giả Truong Bui Xuan cho rằng "có nhiều lựa chọn giao thông, không nhất thiết phải là máy bay. Thời điểm hiện tại những người ở xa sân bay cả chiều đi và đến, đi từ sáng sớm về tới nhà cũng gần tối do phải di chuyển quãng đường dài và phải chờ ở sân bay. Giá thì chắc chắn đi gấp sẽ là trên hai triệu đồng cho một chiều.
Còn nếu chọn đi xe khách, bây giờ có một số đoạn cao tốc, nên đi rất nhanh. Sáng 7h lên xe ở ven quốc lộ 1A - Đồng Nai là khoảng 10h sáng hôm sau có mặt tại nhà (Thái Bình) giá vé chỉ 800-900 nghìn đồng, bao ăn uống, không phải tốn phí đi xe hai đầu. Vậy nên nếu không gấp hãy lựa chọn cho mình phương tiện đi hợp lý".
Tuy nhiên, độc giả Trung Dung lại cho rằng: "Chẳng có năm nào chặng bay quốc nội ế khách cả. Chỉ có tăng và tăng. Nhiều bạn cứ nghĩ rằng săn được giá vé rẻ thì mặc định là giá rẻ mới đúng là giá vé máy bay.
Muốn hiểu được giá vé như thế nào thì phải biết sự đánh đổi về an toàn, tiện nghi, thời gian của bản thân khi ngồi máy bay so với các phương tiện khác. Nếu mắc hơn thì các phương tiện giao thông khác sẽ được chọn lựa thôi.
Mà so với giai đoạn dịch Covid-10, nhiều chi phí hoạt động hiện nay đã tăng thì các hãng bay đều lỗ, vậy để giảm lỗ thì bắt buộc phải tăng giá vé thôi. Đấy là điều không cần phải ngạc nhiên. Đừng lấy hoàn cảnh của gia đình, các quốc gia khác để đánh giá về giá vé máy bay, đấy là điều không hoàn toàn chính xác. Trong khi các bạn than vãn giá vé tăng thì ga quốc nội ở các sân bay vẫn đông nghẹt hàng ngày vì cơ bản hành khách chọn lựa đi máy bay họ đã chấp nhận đánh đổi tiền bạc để đạt được mục đích của mình".
Ngoài mùa lễ, Tết nhu cầu cao nên giá vé tăng, một số độc giả cho rằng rất vô lý khi các phí phụ thu gấp nhiều lần tiền vé khuyến mãi.
Độc giả Sông Đông êm đềm nói: "Thật ra giá trần không ảnh hưởng gì đến gía vé cả. Vì như hiện nay giá trần là 3,75 triệu đồng nhưng chỉ một tỷ lệ nhỏ có vé chạm trần, còn rất nhiều vé rẻ. Chỉ có điều, nên quy định ngành hàng không bắt buộc phải công bố giá vé có nghĩa là số tiền thực trả của khách hàng.
Cũng như ôtô, tàu hoả, giá vé nghĩa là bao gồm tất cả chi phí khác, riêng máy bay lại tách thuế phí ra ngoài. Nên nhiều khi bảo vé khuyến mại chưa đến 100 nghìn đồng, cuối cùng số tiền thực nộp cao gấp mấy, đúng kiểu một tiền gà, ba tiền thóc".
Độc giả thienyairtravel giải thích: "Nói đến giá vé máy bay thì sẽ bao gồm các khoản sau: giá vé của hãng là giá niêm yết công khai trên tất cả các hãng (khoản thực thu của hàng) + thuế giá trị gia tăng (nộp Nhà nước) + dịch vụ mặt đất (các dịch vụ ở sân bay đây là chi phí bắt buộc của cục hàng không: an ninh, soi chiếu, quản trị hệ thống sẽ khoảng 570.000 đồng thời điểm hiện tại) và cộng thêm khoảng 40-100 nghìn đồng gọi phí dịch vụ xuất vé".
Bộ Giao thông Vận tải vừa ban hành Thông tư số 34 sửa đổi một số điều của Thông tư số 17/2019 về khung giá dịch vụ vận chuyển hành khách trên các đường bay nội địa, áp dụng từ 1/3/2024. Theo đó, vé phổ thông trên các đường bay khoảng cách dưới 500 km có mức giá trần là 1,6 triệu đồng (đường bay phát triển kinh tế - xã hội) và 1,7 triệu đồng với các đường bay khác, giữ nguyên so với quy định hiện hành. Đường bay từ 500 km đến dưới 850 km có giá vé trần là 2,25 triệu đồng, tăng 50.000 đồng; đường bay 850 km đến dưới 1.000 km có giá vé tối đa 2,89 triệu đồng, tăng 100.000 đồng so với hiện nay. Đường bay 1.000 km đến dưới 1.280 km có giá trần 3,4 triệu đồng, tăng 200.000 đồng và đường bay từ 1.280 km trở lên là 4 triệu đồng, tăng 250.000 đồng so với hiện nay. Mức giá tối đa đã bao gồm toàn bộ chi phí hành khách phải trả cho một vé máy bay, trừ thuế giá trị gia tăng và các khoản thu hộ cho cảng hàng không. |
Hữu Nghị tổng hợp
>>Bài viết không nhất thiết trùng với quan điểm VnExpress.net. Gửi bài tại đây.