Kết thúc phiên họp hôm thứ hai (4/10), Tổ chức các nước xuất khẩu dầu mỏ và đồng minh (OPEC+), nhất trí chỉ tăng sản lượng thêm 400.000 thùng mỗi ngày theo từng tháng, chứ không nâng mạnh sản lượng như kỳ vọng của các nhà phân tích và kinh tế học.
Quyết định này đã đẩy giá dầu của Mỹ lên mức cao nhất kể từ năm 2014. Phiên hôm qua, giá dầu WTI tăng 2,3%, đóng cửa ở mức 77,62 USD mỗi thùng. Trong khi đó, dầu Brent, tăng 2,5%, đạt 81,26 USD, cao nhất trong 3 năm qua.
OPEC + đã cắt mạnh sản lượng vào năm ngoái, do Covid-19 làm đóng cửa các nền kinh tế và giảm nhu cầu. Khi các nền kinh tế bắt đầu mở cửa trở lại, OPEC + đồng ý bổ sung khoảng 400.000 thùng dầu thô mỗi tháng, để đưa tổng sản lượng cung ứng ra thị trường trở lại mức trước Covid-19 vào năm 2022. Do vậy, về cơ bản, cuộc họp hôm 4/10 không thay đổi kế hoạch đã có từ trước của họ.
Tại Mỹ, khai thác dầu đã tăng cao hơn, mặc dù vẫn chưa trở lại mức trước dịch. Sản lượng dầu thô trung bình hằng ngày của nước này vẫn thấp hơn 6,7% so với một năm trước, trong khi kho dự trữ dầu thô thương mại - không bao gồm Dự trữ Dầu mỏ Chiến lược của chính phủ - thấp hơn 15%, theo Cơ quan Thông tin Năng lượng Mỹ.
Mức tăng gần đây của dầu là một phần của đợt tăng giá hàng hóa trên diện rộng, từ gỗ xẻ, yến mạch đến khí propan và khí tự nhiên do các nền kinh tế sôi động trở lại, khiến cầu vượt cung. Giá khí đốt tự nhiên cũng tăng cao, do nhu cầu cao hơn và tồn kho thấp ở Mỹ và châu Âu. Giá than và khí đốt cao đã phần nào dẫn đến việc thiếu điện ở Trung Quốc.
Các nhà phân tích nói rằng tình trạng thiếu hụt nhiên liệu đã góp phần làm cho giá dầu tăng cao. Một số nhà máy điện chạy bằng khí đốt trên thế giới có thể chuyển sang sử dụng dầu. Còn quá sớm để nói mức độ chuyển đổi có lớn hay không, nhưng các thị trường đã định giá theo nhu cầu dầu thô. Saudi Arabian Oil dự báo việc chuyển đổi tạm thời từ khí đốt tự nhiên sang dầu ở một số nhà máy điện có thể làm tăng 500.000 thùng dầu mỗi ngày.
Phiên An (theo WSJ)