Hôm nay (28/9), sau 6 ngày tăng liên tiếp, giá dầu Brent hợp đồng giao tháng 12/2021 đạt 80,08 USD một thùng, mức cao nhất kể từ tháng 10/2018. Trong khi đó, dầu WTI hợp đồng giao tháng 12 cũng đang trên đà tăng, hiện ở mức 76,1 USD một thùng.
Giá dầu đã tăng vọt trong năm nay khi vaccine Covid-19 ngày càng phủ rộng, thúc đẩy sự phục hồi kinh tế và tiêu thụ năng lượng. "Có vẻ như đà tăng giá dầu vẫn chưa có hồi kết", John Driscoll, Chiến lược gia trưởng tại JTD Energy Services đánh giá.
Trong khi nhu cầu trên toàn thế giới gia tăng, OPEC và các đồng minh đang hết sức thận trọng nới lỏng việc hạn chế nguồn cung. Dự kiến cuối ngày hôm nay (28/9), OPEC sẽ công bố báo cáo về triển vọng thị trường dầu thế giới, trình bày chi tiết quan điểm của nhóm này về các nguyên tắc cơ bản của thị trường.
Nhà phân tích Vivek Dhar của Commonwealth Bank of Australia cho biết, nhu cầu dầu thô có thể tăng thêm 500.000 thùng mỗi ngày do giá khí đốt cao, buộc mọi người phải chuyển đổi sang dùng dầu. Hôm nay, giá khí đốt tự nhiên của Mỹ đã tăng trở lại. Điều này sẽ khiến nhu cầu dầu càng tăng.
Goldman Sachs quyết định nâng dự báo giá dầu Brent cuối năm nay lên 90 USD mỗi thùng, tăng 10 USD so với dự báo trước. Nguyên nhân là do nhu cầu nhiên liệu phục hồi nhanh chóng và cơn bão Ida đã ảnh hưởng đến sản xuất dầu của Mỹ. Họ cho rằng thâm hụt "sẽ không thể đảo ngược trong những tháng tới vì quy mô của nhu cầu sẽ lấn át cả mức độ sẵn sàng và khả năng gia tăng sản lượng của OPEC +".
Theo BP, tiêu thụ dầu toàn cầu dự kiến sẽ trở lại mức trước đại dịch vào quý III/2022. Chủ tịch BP Singapore Eugene Leong cho biết, dự kiến nhu cầu dầu sẽ tăng thêm trung bình 3,8 triệu thùng mỗi ngày. Chủ tịch Hess Corp Greg Hill thì cho rằng nhu cầu toàn cầu sẽ tăng lên dần đến mức 100 triệu thùng mỗi ngày vào cuối năm 2021 hoặc trong quý I/2022.
Số liệu của IEA cho biết, thế giới đã từng tiêu thụ 99,7 triệu thùng dầu mỗi ngày vào năm 2019, trước khi đại dịch tác động đến các hoạt động kinh tế và nhu cầu nhiên liệu.
Phiên An (theo Bloomberg, Reuters)