Giá dầu tiếp tục kéo dài đà tăng sang tuần này do cuộc khủng hoảng năng lượng đang bao trùm các nền kinh tế lớn vẫn chưa có dấu hiệu dịu xuống. Các hoạt động kinh tế cũng đang phục hồi mạnh, nhưng các nhà sản xuất lớn vẫn bị hạn chế về nguồn cung.
Theo WSJ, nếu duy trì được đà tăng này đến cuối ngày, giá dầu WTI sẽ lần đầu tiên chốt phiên ở mức trên 80 USD một thùng kể từ tháng 10/2014. Giá dầu Brent cũng tăng lên gần 2% lên 84,01 USD một thùng - mức cao nhất từ tháng 10/2018.
Giá than và khí đốt cũng tăng cao khi các nền kinh tế phục hồi, khiến dầu trở nên hấp dẫn hơn để làm nhiên liệu cho sản xuất điện. Điều này khiến thị trường dầu thô cũng nóng hơn.
Ở Ấn Độ, một số bang đang gặp phải tình trạng mất điện vì thiếu than, còn ở Trung Quốc, chính phủ đã ra lệnh cho các công nhân tăng cường năng suất khai thác than khi giá điện tăng cao. Cuộc khủng hoảng năng lượng khắp thế giới làm dấy lên viễn cảnh về một mùa đông khó khăn khi nhu cầu sửa ấm tăng lên.
"Thông tin từ tuần trước rằng Bộ Năng lượng Mỹ không có kế hoạch khai thác các nguồn dự trữ chiến lược đang khiến cho thị trường dầu mỏ căng thẳng và thúc đẩy giá mặt hàng này", nhà phân tích Giovanni Staunovo tại UBS nhận xét.
Tuần trước, Bộ trưởng Năng lượng Mỹ Jennifer Granholm cho biết nước này xem xét khai thác kho dầu khẩn cấp để hạ nhiệt giá xăng. Tuy nhiên, sau đó Bộ Năng lượng đã thông báo "không có kế hoạch hành động vào lúc này".
Đồng thời, Tổ chức các nước xuất khẩu dầu mỏ và đồng minh (OPEC+) tuần trước cũng quyết định duy trì mức tăng sản lượng ổn định và dần dần. Cụ thể, OPEC+ thống nhất chỉ tăng sản lượng thêm 400.000 thùng mỗi ngày theo từng tháng, chứ không nâng mạnh sản lượng như kỳ vọng của các nhà phân tích và kinh tế học.
Tú Anh (theo Reuters/WSJ)