Mỗi thùng dầu Brent chiều nay có thời điểm lên 86,71 USD – cao nhất kể từ tháng 10/2018. Giá dầu thô Mỹ WTI cũng lập đỉnh 2 tháng tại 84,78 USD. Tuần trước, dầu Brent tăng hơn 5% và WTI tăng hơn 6%.
Các nhà buôn cho biết lực mua dầu điên cuồng đã đẩy các loại dầu thô lên cao nhất nhiều năm. Điều này cho thấy đà tăng của Brent sẽ được duy trì lâu hơn nữa. Nguyên nhân là nguồn cung thiếu hụt và các dấu hiệu cho thấy biến chủng Omicron không gây gián đoạn nhu cầu như lo ngại trước đó.
"Tâm lý lạc quan vẫn được duy trì khi OPEC+ không cung cấp đủ dầu để đáp ứng nhu cầu toàn cầu đang mạnh", Toshitaka Tazawa – nhà phân tích tại Công ty chứng khoán Fujitomi nhận định, "Nếu các quỹ đầu tư tăng tỷ trọng cho dầu trong danh mục, giá có thể lên đỉnh năm 2014".
Tổ chức Các nước Xuất khẩu Dầu mỏ (OPEC) và các đồng minh đang dần nới lỏng chính sách giảm sản xuất áp dụng năm 2020. Tuy nhiên, nhiều nước thành viên nhỏ không thể nâng sản xuất. Một số nước khác thì lo ngại bơm quá nhiều dầu sẽ không kịp trở tay khi Covid-19 tái bùng phát.
"Điều đáng theo dõi tiếp theo là nhu cầu mùa hè sẽ ra sao, đặc biệt là tại Mỹ và châu Âu. Nhu cầu năm nay có thể lớn hơn năm ngoái, nếu kỳ vọng Omicron biến Covid từ đại dịch thành bệnh đặc hữu là sự thật", Vandana Hari – nhà phân tích năng lượng tại Vanda Insights cho biết.
Rủi ro địa chính trị đe dọa nguồn cung cũng góp phần kéo giá dầu lên cao. Quan chức Mỹ cuối tuần trước nói rằng Nga đang chuẩn bị tấn công Ukraine nếu nỗ lực ngoại giao thất bại. Reuters dẫn nguồn tin thân cận cho biết Chính phủ Mỹ đã đàm phán với nhiều hãng dầu mỏ về kế hoạch dự phòng cho việc cung cấp khí đốt tới châu Âu nếu căng thẳng Nga – Ukraine gây gián đoạn nguồn cung từ Nga.
Hà Thu (theo Reuters)